1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thách thức chi trả lương qua tài khoản

Để có thể thực hiện việc <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/8/194305.vip">chi trả lương qua tài khoản</a>, số lượng máy ATM cần có ít ra là gấp 10 lần số lượng máy hiện nay. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các ngân hàng khi mà từ nay đến đầu năm 2008 chỉ còn có 4 tháng nữa.

Hiệu quả chung mà cả nền kinh tế tiết kiệm được từ việc chi trả lương qua tài khoản thật sự là rất lớn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các ngân hàng cũng đang thật sự lớn và cấp bách.

 

Ngân hàng: Giờ giao dịch tréo ngoe

 

Dịch vụ chi trả lương qua tài khoản tại các ngân hàng thương mại phải dựa trên cơ sở dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại và mạng lưới rộng khắp, đó là dịch vụ ngân hàng tự động ATM. Dịch vụ này phát triển mạnh ở nước ta trong vòng 3 - 4 năm gần đây. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có đông công nhân, đông đối tượng hưởng lương và đông đảo giới trẻ đã sớm chấp nhận dịch vụ này.

 

Tuy nhiên, nếu không có máy ATM và không rút được tiền qua máy ATM thì việc trả lương qua tài khoản tại ngân hàng lại gây rắc rối thêm cho người hưởng lương. Để rút được tiền lương tại tài khoản, thì người hưởng lương phải mang chứng minh thư ra ngân hàng đúng vào giờ làm việc hành chính.

 

Thủ tướng yêu cầu, từ 1/1/2008, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành tập trung chỉ đạo đơn vị trực thuộc triển khai việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức làm việc tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành.

 

Từ 1/1/2009 sẽ mở rộng việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức ở những đơn vị còn lại trên phạm vi cả nước.

Hiện tại hầu hết các ngân hàng thương mại chỉ giao dịch với khách hàng 5 ngày trong tuần, hàng ngày từ 8 giờ sáng, nghỉ trưa như các cơ quan khác, buổi chiều nghỉ giao dịch lúc 16 giờ. Như vậy để rút được lương chỉ còn cách bỏ việc cơ quan đi lĩnh lương ngoài ngân hàng.

 

Nếu vào kỳ rút lương đông người thì còn phải chờ đợi không biết bao nhiêu. Đối với các vùng nông thôn, thì phải ra tận thị trấn, thị tứ nơi có chi nhánh Ngân hàng hay Phòng giao dịch của ngân hàng. Hiện nay bình quân 3-4 xã mới có một điểm giao dịch của ngân hàng.

 

Tại vùng trung du, miền núi thì mật độ ngân hàng còn thưa hơn, cả một huyện chỉ có 1-2 điểm giao dịch của ngân hàng. Do đó người hưởng lương từ nguồn ngân sách đang làm việc và sinh sống tại các xã, như: giáo viên, cán bộ hưu trí, cán bộ xã… phải đi lại khá mất thời gian để lĩnh lương tại ngân hàng.

 

Thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống rút tiền tự động - ATM

 

Thách thức chi trả lương qua tài khoản - 1

Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ có gần 4.000 máy ATM, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn.

Việc lĩnh lương tiện lợi nhất dựa trên dịch vụ ngân hàng hiện đại và công nghệ hiện đại đó là rút tiền tại máy rút tiền tự động - ATM. Để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ này, hiện nay hầu hết các ngân hàng phát hành thẻ ATM miễn phí, với chi phí bình quân mỗi thẻ là 100.000 đồng.

 

Song hiện nay cả nước mới chỉ có gần 4.000 máy ATM, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố khác. Bình quân mỗi huyện chưa có 1 máy ATM.

 

Để thuận tiện cho chi trả lương qua tài khoản và rút tại máy ATM, thì máy ATM phải được lắp đặt rộng khắp tại các trường học, trường đại học, bệnh viện, các cơ quan lớn, trụ sở huyện uỷ và UBND huyện, đơn vị quân đội lớn, cơ quan công an đông quân số… Bình quân mỗi xã ít ra phải có 3 máy ATM. Tức là ngay từ đầu năm 2008, số lượng máy ATM cần có đưa vào hoạt động ít ra là gấp 10 lần số lượng máy hiện nay. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các ngân hàng khi mà từ nay đến đầu năm 2008 chỉ còn có 4 tháng nữa.

   

Hai là các máy ATM phải kết nối được với nhau. Theo đó thẻ ATM của người hưởng lương có tài khoản tại ngân hàng này có thể rút tiền tại tất cả máy ATM của bất kỳ ngân hàng nào trong toàn quốc. Tuy nhiện hiện nay cả nước có tới 4 mạng liên kết ATM hoạt động độc lập với nhau.

 

Mạng liên kết ATM do Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đứng đầu có quy mô máy ATM lớn nhất, chiếm khoảng trên 60% số lượng máy của cả nước, với 17 ngân hàng tham gia. Tuy nhiên máy ATM của các ngân hàng này chỉ lắp đặt ở các thành phố và thị xã lớn, chưa có ở các tỉnh miền núi, vùng xa, vùng sâu.

 

Hiện nay chỉ có Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), là có mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp nhất tới các thị trấn, thị tứ thì lại đang trong tình trạng thiếu máy ATM. Nhiều huyện chờ đợi khá lâu nhưng cả năm nay không được trang bị máy ATM. Nhiều tỉnh cả hệ thống Ngân hàng Agribank trên địa bàn mới chỉ được trang bị 4-5 máy ATM, tập trung chủ yếu ở thị xã, tỉnh lỵ.

 

Đồng thời mạng ATM của Agribank mới chỉ kết nối được với Ngân hàng công thương và Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam. Mạng liên kết này có quy mô máy ATM còn hết sức khiêm tốn và cũng chỉ có máy ATM đặt ở các thành phố và thị xã.

 

Ba là sự hoạt động ổn định của máy ATM. Điều đó có nghĩa là, người hưởng lương sử dụng thẻ ATM có thể rút tiền được bất kỳ tại máy ATM đặt ở đâu vào bất kỳ thời gian nào. Máy ATM không bị trục trặc kỹ thuật, bị nghẽn đường truyền và tình trạng tạm ngừng phục vụ do hết tiền.

   

Thực tế trong thời gian qua, Vietcombank là ngân hàng có kinh nghiệm nhất về dịch vụ thẻ, song hệ thống máy ATM của ngân hàng này gây không ít phiền toái cho khách hàng về tình trạng máy bị lỗi đường truyền, bị hỏng, hết tiền. Tình trạng vào các ngày cao điểm, như nghỉ lễ, nghỉ tết, thứ bảy hay chủ nhật… khách hàng phải xếp hàng chờ đợi rút tiền tại máy ATM không phải là hiếm gặp.

   

Tính đến hết tháng 8/2007, cả nước có khoảng 6,5 triệu tài khoản thẻ các loại do 20 ngân hàng phát hành và thanh toán, được sử dụng tại trên 4.000 máy rút tiền tự động đã lắp đặt trong cả nước. Trong số đó thì thẻ thanh toán nội địa chiếm 92,5%; còn lại là 7,5% thẻ tín dụng quốc tế, tương đương với khoảng 500.000 tài khoản thẻ.

 

Tuy nhiên như đã nói, dịch vụ trên mới chỉ phát triển ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp lớn. Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, tức là từ đầu năm 2008 phải thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ song xem ra các ngân hàng thương mại, đặc biệt là hệ thống Ngân hàng Agribank chưa sẵn sàng.

         

Để chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chi trả lương qua tài khoản thực sự đi vào cuộc sống, thực sự có hiệu quả thì câu trả lời, phải chờ đợi từ phía ngành ngân hàng.

 

Theo Nguyễn Hà
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm