Thả nổi cho nhập khẩu ô tô: Câu chuyện buồn nhìn từ 18 tàu vỏ thép tiền tỷ nằm bờ

(Dân trí) - Câu chuyện đau lòng về 18 chiếc tàu vỏ thép nằm bờ, người gánh thiệt lại là những ngư dân bám biển cho thấy tầm quan trọng của hàng chính hãng khi sản xuất các phương tiện giao thông.

Dồn tất cả tài sản, vay ngân hàng để đóng tàu cá vỏ thép với mong muốn ra khơi đánh bắt, bảo vệ vùng biển của đất nước nhưng cuối cùng những ngư dân của tỉnh Bình Định lại nhận "trái đắng” khi hợp đồng một đằng nhưng nhà sản xuất lại làm một nẻo.

Thả nổi cho nhập khẩu ô tô: Câu chuyện buồn nhìn từ 18 tàu vỏ thép tiền tỷ nằm bờ - 1

Từ tàu vỏ thép đến ôtô

Sự việc 18 tàu cá vỏ thép đóng mới vừa mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, nằm bờ đã gây bức xúc lớn trong dư luận. Các ngư dân Bình Định cho biết, tàu ra khơi liên tục gặp sự cố, vận tốc cam kết là 12 hải lý/giờ nhưng chạy không nổi 2 hải lý. Các loại thiết bị, động cơ không chính hãng, không đúng với hợp đồng ký kết giữa hai bên. Đây là các con tàu được Công ty Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) và Công ty Đại Nguyên Dương đóng cho ngư dân. Sự việc gây dư luận xấu bởi đây là các con tàu vỏ thép được đóng theo chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ vùng chủ quyền của Nghị định 67 của Chính phủ.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy vỏ tàu bị gỉ sét nặng, dùng thép Trung Quốc thay cho thép Hàn Quốc trong hợp đồng, chất lượng và quy trình sơn tàu không đảm bảo. Đặc biệt, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi, bên trong có thể là máy bộ chứ không phải máy thuỷ, nhiều máy bị hư hỏng phải sửa chữa và không đồng bộ trang thiết bị hàng hải… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng việc 18 tàu vỏ thép ở Bình Định hư hỏng nặng là một bài học thấm thía.

Người cùng cực nhất trong câu chuyện tàu vỏ thép không chính hãng có lẽ là ngư dân bởi tài sản có nguy cơ mất trắng, lãi suất ngân hàng vẫn phải gánh. Tàu vỏ thép là một phương tiện ra khơi, đương đầu với sóng gió, bão tố, chất lượng tàu thấp có thể ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của những người ngư dân cũng giống như câu chuyện về chiếc ô tô khi tham gia giao thông.

Nhìn rộng ra câu chuyện tàu vỏ sắt còn cho thấy câu chuyện và chất lượng sản phẩm chính hãng và không chính hãng. Nếu như được lắp đặt máy, thiết bị chính hãng của nhà sản xuất Mitsubishi cung cấp thì sự việc đau lòng đã không xảy ra.

Câu chuyện tàu vỏ thép cũng gợi nhớ đến bài học thả nổi thị trường ôtô ở thập kỷ trước. Tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ đều được tự do nhập khẩu xe, do đó nhiều thương nhân nhỏ lẻ đã ra nước ngoài gom ô tô cũ, hàng thải loại không xuất xứ, chất lượng thấp về Việt Nam. Các nhà buôn ô tô này chỉ chăm chăm bán xe kiếm lời còn khâu bảo hành, bảo dưỡng thì lơ là khiến không ít khách hàng cảm thấy như bị lừa sau khi chót mua hàng.

“Lúc đó chưa có nhiều tiền nên ham rẻ mua ô tô nhập không chính hãng, tiền nào của nấy thật, mua xe rẻ chỉ chuốc cái bực mình vào người. Mỗi tuần 2 lần hỏng, các thiết bị được chắp vá không đồng bộ, vừa chạy xe tôi vừa lo cho tính mạng của mình và người đi đường. Báo với nhà nhập khẩu thì họ hẹn hết lần này đến lần khác, được sửa thì chỉ vài hôm sau lại hỏng”, anh Nguyễn Trung Đông, một khách hàng từng là nạn nhân của xe nhập không chính hãng cho biết.

Thả nổi cho nhập xe ô tô ồ ạt, giai đoạn 2007-2011, Việt Nam tràn ngập các bãi xe, cửa hàng ô tô lớn nhỏ khắp cả nước. Đỉnh điểm là năm 2009, Việt Nam đã nhập tới 100.000 xe gây nhập siêu lớn, góp phần khủng hoảng kinh tế 2011-2013.

Thông tư 20 có hiệu lực tháng 5/2011 siết nhập khẩu xe cần giấy uỷ quyền nhập khẩu chính hãng từ nhà sản xuất đã khiến thị trường ô tô dần ổn định, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo.

Tiếp tục thả nổi nhập xe: Nên hay không?

Thông tư 20 hết hiệu lực từ tháng 7/2016, Liên bộ Giao thông Vận tải - Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

Thả nổi cho nhập khẩu ô tô: Câu chuyện buồn nhìn từ 18 tàu vỏ thép tiền tỷ nằm bờ - 2

Dự thảo nghị định được đánh giá là đã mở một “cánh cửa rộng” khi quy định mọi doanh nghiệp đều có quyền nhập xe, với các điều kiện về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe… được nới lỏng. Dự thảo chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu “có cam cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu”. Đến năm 2020, các doanh nghiệp nhập khẩu mới bắt buộc phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.

Như vậy, giấy uỷ quyền nhập khẩu chính hãng sẽ được bãi bỏ, việc này được giới chuyên gia cảnh báo có thể biến Việt Nam trở thành “bãi rác” xe kém chất lượng của thế giới như thập niên trước.

Ở Việt Nam xe ô tô không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là thứ tài sản quý giá của người dân. Vì vậy, các chính sách vận hành thị trường ô tô cần được chú trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh các yếu tố về giá.

Giới chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành vẫn băn khoăn chuyện bỏ giấy uỷ quyền nhập khẩu chính hang có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bàn về dự thảo, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc của Công ty ôtô Hyundai Thành Công cho rằng cần phải có giấy chứng nhận xuất xưởng do nhà sản xuất cấp để tránh một số trường hợp một số xe được sản xuất theo dạng xe pilot, thử nghiệm, chưa đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu đưa về Việt Nam và đưa vào lưu hành, trong khi người tiêu dùng không phải lúc nào cũng đầy đủ thông tin để đòi quyền lợi của mình.

"Các xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam phải có chứng nhận xuất xưởng (CQ) do nhà sản xuất cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng xe được lưu hành ra thị trường”, ông Đức đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội cho rằng xe ô tô là một phương tiện giao thông vì vậy các trang thiết bị, động cơ sử dụng phải đảm bảo chính hãng sản xuất. Người tiêu dùng được bảo đảm sức khoẻ, tính mạng khi các sự cố giao thông xảy ra. Các hãng xe chính hãng luôn có hệ thống bảo hành toàn quốc, với tiêu chuẩn và trang thiết bị, linh kiện thay thế đắt tiền, đạt chuẩn thương hiệu quốc tế của nhà sản xuất. Điều này, các doanh nghiệp nhỏ lẻ rất khó có thể đáp ứng.

Ông Dũng lo ngại việc mở cửa nhập ồ ạt sẽ có những xe, linh kiện không nguồn gốc xuất xứ tràn vào Việt Nam, gây khó khăn cho các nhà quản lý, người tiêu dùng gánh thiệt hại về mình.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất 3 loại giấy tờ mà doanh nghiệp kinh doanh ôtô cần phải có đó là giấy uỷ quyền chính hãng của nhà sản xuất cho việc nhập khẩu. Hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm đào tạo kỹ thuật, cung cấp thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sửa chữa, thiết bị chẩn đoán, thiết bị sửa chữa chuyên dụng, phần mềm chính hãng. Và cuối cùng là hợp đồng cung cấp phụ tùng chính hãng.

Anh Thư