1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thà đói chứ không ăn ở sân bay, bến xe

Vào sân bay mà lỡ ngồi vào các cửa hàng ăn uống, người tiêu dùng sẽ bị "chém đẹp" và không thể nào từ chối trả tiền vì sản phẩm đã dùng.

Giá "cắt cổ" lại dở tệ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

 

Vợ chồng chị Xuân vốn chẳng dư giả gì nên vài ba năm mới về quê thăm bố mẹ một lần. Ngặt nỗi, lần này có con nhỏ mới 3 tuổi nên vợ chồng anh chị bấm bụng mua vé máy bay giá rẻ để đi lại cho thuận tiện. Lần đầu tiên đi máy bay nên gia đình ra sân bay (Tân Sơn Nhất) trước rất sớm để đề phòng bất trắc, ra tới nơi lại được thông báo chuyến bay bị hoãn 2 giờ.

 

Gần giờ ăn trưa, cả nhà đều đói nên phải dắt nhau vào ăn phở với ý nghĩ chắc là đắt hơn bên ngoài 10-20 ngàn đồng là cùng. Thế nhưng, đến khi tính tiền thì vợ chồng anh “mắt chữ o, miệng chữ a” khi biết gần 500 ngàn cho ba tô phở, 2 chai nước khoáng, và 1 lon nước ngọt. Anh tặc lưỡi: “Phở thì lỏng bỏng nước và vài miếng thịt, không có gì đặc sắc hay đúng hơn là chẳng khác tô phở lề đường 30 ngàn đồng, thế mà chặt chém quá đáng. Phở thì đã ăn rồi, nước đã uống rồi nên phải đành trả tiền thôi. Nhưng một lần và mãi mãi sẽ không bao giờ quay lại lần hai”.
 
Thà đói chứ không ăn ở sân bay, bến xe
Tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, các cửa hàng dịch vụ đồ ăn khá đông người qua lại. Thế nhưng, có nhiều người đến 'dòm' bảng giá sau đó lại quay ra (ảnh minh họa)

 

Sân bay Nội Bài cũng chặt chém không kém khi một tô mì gói giá cũng 45- 50 ngàn đồng, một chai nước khoáng 500ml thì dao động từ 15- 25 ngàn. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải lên tiếng “chê” về chất lượng dịch vụ tại đây. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã áp dụng giá dịch vụ cho nhiều mặt hàng phi hàng không thay cho tình trạng mỗi đơn vị bán giá khác nhau hay bán giá quá cao, thế nhưng các doanh nghiệp nơi đây vẫn chẳng ngại lách luật. Nhưng đáng buồn nhất, có lẽ là vụ việc chiếc bánh hamburger không kèm theo nước uống giá 180 ngàn đồng vào giữa năm 2013. Còn tại sân bay Cam Ranh, được du khách nước ngoài gắn cho thương hiệu...thức ăn đắt nhất thế giới.

 

Sân bay là vậy, bến xe cũng chẳng khá khẩm hơn. Chuyện một tô phở, một đĩa cơm đắt hơn 10-15 ngàn đồng so với ở ngoài được nhiều hành khách tặc lưỡi chấp nhận nhưng chuyện an toàn vệ sinh thì vẫn còn nhiều điều phải bàn. Thức ăn được bày ra cho khách lựa chọn, nhưng không được che đậy, bảo quản cẩn thận khiến ruồi, bụi, khói, khu vực rửa chén bát nước bẩn cặn tù đọng, lẹp nhẹp,…khiến nhiều người phát khiếp.

 

Nhịn đói cho xong

 

Huyền (nhân viên ở TP.HCM) than thở: “Trong một lần chờ xe về quê, mình và đứa bạn quá đói nên ăn tạm 2 đĩa cơm bình dân. Đồ ăn thì thôi rồi, nhạt nhẽo dở tệ cứ như được nấu từ hôm qua. Ăn xong thì hai đứa đều đau bụng khiến chặng đường về nhà chẳng khác nào tra tấn. Thế nên, từ đó về sau, dù đói cỡ nào mình đều không ăn ở bến xe”.

 

Đồng quan điểm trên, Như (30 tuổi, TP.HCM) mỗi lần đi máy bay hay tàu xe đều chuẩn bị sẵn đồ ăn hoặc là nhịn đói cho xong vì vừa tiết kiệm vừa khỏi sợ đau bụng, ngộ độc.

 

Việc giá dịch vụ đồ ăn, đồ uống ở sân bay cao hơn thị trường được nhiều doanh nghiệp nơi đây cho là lẽ thường tình vì chi thuê mặt bằng rất cao. Nhưng thiết nghĩ buôn bán mà khách chỉ dám tới một lần, hàng quán hiu hắt vài khách thì liệu đây có phải là cách thức khôn ngoan? Còn khách hàng thì chẳng có gì khổ hơn khi vừa phải đi đường xa, vừa phải bấm bụng nhịn đói chỉ vì sợ chặt chém và mất vệ sinh…

 

Câu chuyện độc quyền trong sân bay được nêu ra trong buổi hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật hàng không dân dụng sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 13/3.

 

Theo bà Nguyễn Minh Ngọc, đại diện của Sasco (Công ty TNHH một thành viên dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất), hoạt động kinh doanh tại sân bay không có chuyện độc quyền nữa, toàn bộ hàng hóa đã được niêm yết công khai để khách hàng lựa chọn. Việc giá đắt hay rẻ phần nhiều phụ thuộc vào giá thuê mặt bằng kinh doanh.

 

Lấy ví dụ về việc này, bà Ngọc nói: “Cùng là một bát phở, chất lượng như nhau, nhưng nếu bán ở vỉa hè chắc chắn giá phải khác giá ở trong một nhà hàng được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, đồ dùng sạch đẹp”.

 

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch vẫn khẳng định: “Giá bán hàng ở sân bay là giá cắt cổ. Tôi đi xem giá bán hàng ở sân bay, nhận thấy rằng hàng ăn uống được bán ở đây tương đương với giá của khách sạn 5 sao nhưng chất lượng thì...bình dân. Một gói mì ở ngoài bán vài ngàn mà trong sân bay bán mấy chục ngàn đồng. Nếu không phải là câu chuyện độc quyền ở đây thì là gì?”, ông Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

 

Theo Lan Anh

Đất Việt
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm