Tay trái bán xăng, tay phải “móc túi”

Hành vi gian lận trong bán xăng dầu ngày càng tinh vi. Các chiêu phù phép đối với gas để qua mặt người tiêu dùng cũng phong phú không kém...

Tay trái bán xăng, tay phải “móc túi”
 
Những nhận định này đều được các chuyên gia tại Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu diễn ra tại Hà Nội sáng 31/10 thống nhất cao.

 

Quá nhiều cây xăng vi phạm

 

Cuối năm 2011 có thể được coi là đỉnh điểm “leo thang” giá xăng dầu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hành vi gian dối như pha trộn, bớt xén... bùng nổ, đặc biệt là hiện tượng cháy nổ xe máy - ôtô không rõ nguyên nhân gia tăng. Vì thế, một đợt thanh tra chuyên đề về kinh doanh xăng dầu, gas đã được Bộ KHCN và các sở KHCN tiến hành đồng loạt từ tháng 6 đến tháng 9 vừa qua.

 

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ KHCN - cho biết: “Trong 5.280 cơ sở được kiểm tra trong chuyên đề có 678 cơ sở vi phạm, chiếm 13% số cơ sở được thanh tra. So với năm 2011, trong hơn 3.000 cơ sở được kiểm tra, có 512 cơ sở vi phạm, chiếm 16,4%. Như vậy, chỉ một lát cắt trong một quý, số cơ sở vi phạm đã gần bằng mức phát hiện được cả năm trước”.

 

Hiện tượng các điểm bán xăng gian dối móc túi người tiêu dùng đã gây bức xúc trong dư luận lâu nay. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là hành vi lắp thêm hoặc thay đổi các chip điện tử nhằm gian lận đo lường xăng dầu. 13 cơ sở cố tình làm như vậy được phát hiện rải rác ở Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Hòa Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Vĩnh Long - mỗi nơi 1 hoặc 2 địa điểm.

 

Theo ông Dũng: Số phát hiện được không lớn vì các nơi cố ý vi phạm đều có những cách làm rất tinh vi. Lực lượng thanh tra phải mất rất nhiều công sức, thời gian theo dõi mới đưa ra ánh sáng được những hành vi gian lận này.

 

Như một trường hợp ở Hòa Bình, một cây xăng cách TP 100km, khi đoàn thanh tra đến nơi cửa hàng đã đóng, chủ cửa hàng nói do cột đo hỏng, chờ sửa chữa. Theo người dân phản ánh, trên thực tế, cơ sở này vẫn bán hàng bình thường, chỉ đóng cửa trước khi đoàn đến 15 phút. Đoàn đã cương quyết làm rõ thì mới hay cột đo nhiên liệu vẫn hoạt động bình thường, dấu hiệu niêm phong kẹp chì còn nguyên vẹn, nhưng mẫu xăng thử nghiệm của cửa hàng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Kết quả là cửa hàng đã bị xử phạt 30 triệu đồng. Hay trường hợp cây xăng Bình An thuộc Cty TNHH Tâm Liên (ở ấp An Phước, xã Vĩnh Mỹ, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong 3 đợt kiểm tra liên tiếp đều vi phạm chất lượng xăng dầu.

 

Gần 1/5 số cơ sở kinh doanh gas vi phạm quy định

 

Tỉ lệ vi phạm chung ở các cơ sở kinh doanh gas được kiểm tra tại các địa phương là 18,5%. Tuy nhiên, ở một số nơi, số cơ sở vi phạm cao hơn. Đà Nẵng là 38%, Long An 55%. Gia Lai thanh tra 9 cơ sở thì 2 cơ sở vi phạm về đo lường, 2 nơi sử dụng bình gas quá hạn kiểm định. Thái Bình kiểm tra 2 cơ sở thì 2 nơi đều vi phạm. Tây Ninh thanh tra 37 cơ sở bán gas và 3 cơ sở chiết nạp gas thì 3 cơ sở chiết nạp đều có hành vi vi phạm. Đây không chỉ là gian lận thương mại, mà còn tiềm ẩn mất an toàn cho cộng đồng.

 

Ngay cả những đầu mối nhập khẩu, kinh doanh gas cũng rất nhiều vi phạm. 7/10 cơ sở hoặc không đăng ký, hoặc không đủ điều kiện kinh doanh khí gas, không áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, không đào tạo chuyên môn cho người bán hàng trực tiếp.

 

Năm 2003, 29% số cơ sở kinh doanh xăng dầu và gas được kiểm tra có vi phạm. Năm 2008, con số này là 18%, năm 2011 là 16%, năm 2012 là 13%. Thứ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh kết luận: Tuy số lượng các cơ sở có hành vi vi phạm về đo lường và chất lượng xăng dầu, gas có chiều hướng giảm, nhưng hình thức vi phạm lại đa dạng và có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp và dai dẳng hơn. Vì thế, công tác thanh tra sẽ cần tiến hành liên tục, và phối hợp liên ngành mới có thể thu được kết quả sát nhất với thực tế hiện nay.

 

Cảnh giác khi 1 người bơm, 1 người bấm

 

Gần đây xuất hiện hành vi vi phạm quy định về phép đo khi bán xăng dầu: Hai người thao tác trên 1 cột đo, 1 người cầm vòi bơm, người kia bấm nhảy số hiển thị tiền để gian lận của khách hàng. Ví dụ, khách hàng mua 50.000 đ xăng nhưng người bấm số chờ đến hiển thị tiền 30.000 đ chẳng hạn, bấm stop thì hiển thị này sẽ nhanh chóng nhảy sang số 50.000 đ. Khách hàng chưa kịp hiểu thì mọi việc đã xong. Cơ quan thanh tra cũng khuyến cáo chiêu gian lận rất đơn giản, đặc biệt với khách đi ôtô: Hãy nhìn kỹ những con số 0, bởi rất có thể cột xăng chỉ là 30.000 đ nhưng người bán hàng có thể tính tiền 300.000 đ.

 

Theo Quang Duy

Lao động