Tập đoàn nhà nước: Những thương vụ ngoài ngành đau đớn
Nhìn lại phong trào đầu tư ngoài nganh của các tập đoàn, bên cạnh những thương vụ thua lỗ ngàn tỷ thì cũng có những cú đầu tư dù có lãi những chẳng khác nào một cục nợ.
Chính phủ vừa phê duyệt đề án tái cơ cấu của nhiều tập đoàn. Trong đó, các tập đoàn được yêu cầu phải thói vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Nhìn lại phong trào đầu tư ngoài nganh của các tập đoàn, bên cạnh những thương vụ thua lỗ ngàn tỷ thì cũng có những cú đầu tư dù có lãi những chẳng khác nào một cục nợ.
Những cục nợ ngàn tỷ
Một thương vụ đầu tư ngoài ngành thất bại đau đớn nhất phải kể đến EVN Telecom. Cụ thể, EVN đầu tư 100% vốn vào EVN Telcom với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009.
Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom đi xuống rất nhanh. Nếu như năm 2008 lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010.
Vụ EVN Telecom tạm kết thúc khi được chuyển giao cho Viettel. Tuy nhiên, Viettel cũng dính vào một vụ đầu tư ngoài ngành khác tại Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF). Tính đến cuối 2102, VVF sở hữu trong tay cả nghìn tỷ đồng và tài sản lên tới trên 3.600 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ hơn 100 tỷ đồng và đang có xu hướng giảm mạnh.
Điểm đáng lo ngại là VVF đang sở hữu những khoản nợ quá hạn rất lớn, chiếm tới hơn 30% vốn. Tính tới cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu vọt lên tới 4,2%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 2%. Vụ tranh chấp đình đám về khoản tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp Vina Megastar đã quá hạn là một lời cảnh báo về hoạt động tay trái của hai cổ đông lớn của VVF là Viettel và Vinaconex.
Trong đề án "Tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giai đoạn 2013-2015" vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập đoàn này sẽ phải thoái vốn tại 5 doanh nghiệp trong đó có VVF.
Trong ĐHCĐ 2013 của Vinaconex (VCG) gần đây, chủ điểm nóng nhất chính là phương án tái cấu trúc xi măng Cẩm Phả. Thoái vốn khỏi Xi măng Cẩm Phả hy vọng giúp DN này này thoát khỏi tình trạng cạn kiệt nguồn lực tài chính. Gánh nặng lỗ từ công ty này khiến VCG có khoản nợ hợp nhất lên tới 22.000 tỷ đồng. VCG hiện đang dự tính bán hết 75% cổ phần tại doanh nghiệp xi măng này nhưng chưa có kết quả.
Rất nhiều ông lớn khác cũng đã và đang lên kế hoạch thoái vốn ở một loạt các lĩnh vực không phải trọng tâm của mình như: Lilama tính thoái vốn khỏi 15 doanh nghiệp thủy điện, xi măng, địa ốc; PVN thoái vốn ở một loạt doanh nghiệp thành viên; Vinalines thoái vốn khỏi 37 doanh nghiệp trước 2015....
Hướng tới hiệu quả và sức cạnh tranh cao
Hoạt động ngoài ngành của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt khối DNNN mà đại diện là các tập đoàn, tổng công ty trong nhiều năm qua rất kém hiệu quả. Trong báo cáo mới đây, Kiểm toán nhà nước cho biêt, các TCT Nhà nước đầu tư tài chính 25.700 tỷ đồng, đầu tư chứng khoán đều thua lỗ
Rất nhiều doanh nghiệp chưa hoạt động tốt trong ngành nghề cốt lõi của mình nhưng đã đem tiền đi đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực. Sự đầu tư dàn trải thể hiện ở chỗ, có những tập đoàn thời cao điểm có tới vài trăm công ty con, hoạt động từ công nghiệp nặng, kinh doanh thương mại, BĐS, tài chính, lắp ráp xe máy cho tới sản xuất cả xà phòng, bột giặt.
Về lý thuyết, đa ngành không có gì xấu, không trái với chủ trương cũng như quy định của luật pháp. Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới hiện nay như Samsung cũng đang mở rộng sang các lĩnh vực khác như thiết bị y tế. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của rất nhiều "ông lớn nội" cho thấy, các hoạt động ngoài ngành của các doanh nghiệp này rất mờ nhạt và kém hiệu quả.
Rất nhiều trường hợp cổ tức chia thấp hơn lãi suất ngân hàng. Đó là chưa nói tới vô vàn các trường hợp làm ăn thua lỗ triền miên, cụt cả vốn và nhiều công ty con của các đại gia này giờ chỉ là cái xác không hồn, xác cấp đông đắp chiếu để đấy.
Điều đáng bàn là ngay cả ngành nghề chính, cốt lõi kinh doanh của các "ông lớn" trong nước cũng là một vấn đề nổi cộm. Ngành điện báo lỗ triền miên cho dù liên tục tăng giá; than chỉ khai thác lên cũng báo lỗ; kinh doanh xăng dầu đầy thuận lợi cũng kêu khó khăn và tận dụng mọi cơ hội tăng giá; vận tải biển mua hàng loạt tàu cũ giá cao về đắp chiếu không có tiền đổ dầu để chạy, nằm lênh đênh trên biển...
Những khó khăn của nền kinh tế đang cho thấy một thực tế là sức cạnh tranh của đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức rất thấp, đặc biệt là khối các DNNN. Rất nhiều thống kê cho thấy, các DNNN đang sử dụng nguồn lực khổng lồ như tài sản đất đai, nguồn vốn... nhưng hiệu quả kinh doanh lại thấp nhất trong các khối doanh nghiệp.
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong năm 2012, nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn trong quá trình tiến hành rà soát, xác định lại ngành nghề kinh doanh. Các biện pháp cũng chưa linh hoạt mà chủ yếu là chuyển nhượng vốn đầu tư. Trong khi đó, do kinh tế khó khăn, chứng khoán đi xuống nên thoái vốn đang diễn ra rất chậm
Việc tái cơ cấu nền kinh tế dựa vào 3 trọng tâm, trong đó có tái cấu trúc DNNN. Sự chậm trễ của khối DNNN chắc chắn sẽ kéo chậm sự hồi phục của nền kinh tế. Điều này không chỉ các DNNN lún sâu vào khó khăn mà có thể khiến nguồn lực quốc gia ngày càng bị suy giảm.
Theo Mạnh Hà
VEF