Tập đoàn Dầu khí phải giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017- 2020. PVN thực hiện giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN tại các doanh nghiệp theo từng giai đoạn.
Lãnh đạo Chính phủ quyết định giữ nguyên các doanh nghiệp sau như hiện nay, gồm: Công ty mẹ - PVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam (NASOS); Trường Cao đẳng nghề dầu khí.
Ngoài ra, giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn của PVN tại các công ty con, liên kết, liên doanh sau: Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVN nắm giữ 51,37% vốn điều lệ); Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (PVN nắm 51% vốn điều lệ); Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVN nắm 50,40% vốn điều lệ); Công ty TNHH Liên doanh Rusvietpetro (PVN nắm 49% vốn điều lệ);
Công ty TNHH Liên doanh Gazpromviet (PVN nắm 49% vốn điều lệ nhưng thực hiện tái cơ cấu phù hợp với triển khai các dự án và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền); Công ty TNHH Lọc hoá dầu Long Sơn (PVN nắm 29% vốn điều lệ); Công ty TNHN Tân Cảng - Petro Cam Ranh (PVN nắm 25% vốn điều lệ); Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (25,10% vốn điều lệ).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị PVN duy trì các công ty cấp IV đối với 2 công ty thuộc Tổng công ty thăm dò và Khai thác Dầu khí (gồm Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác dầu khí Peru; Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác dầu khí Ba Tư).
Đối với 2 công ty cấp IV thuộc Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí, Phó Thủ tướng yêu cầu PVN nghiên cứu chuyển thành công ty cấp III theo hình thức chuyển nhượng vốn cho công ty cấp II,...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao PVN thực hiện giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN tại các doanh nghiệp theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ 2017- 2018, giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí - CTCP từ 61,3% xuống 51% vốn điều lệ; giảm từ 75,56% xuống còn 51% vốn điều lệ của PVN tại Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau.
Trong giai đoạn từ 2018 - 2019, PVN giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP từ 96,72% xuống 65% vốn điều lệ. Còn trong giai đoạn 2019 - 2020 tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) thì PVN giảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% xuống 36% vốn điều lệ nếu đàm phán và được Ngân hàng Citibank đồng ý sửa đổi cam kết trước đó của hai bên về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của PVN.
Về nhóm doanh nghiệp cổ phần hoá mà PVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt danh mục gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lọc- Hoá dầu Bình Sơn; Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVN đang nắm 51% vốn điều lệ đến năm 2019. Trường hợp đàm phán được với các ngân hàng cho vay vốn thì có thể giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN sớm hơn).
Lãnh đạo Chính phủ cũng phê duyệt danh mục doanh nghiệp mà PVN thoái toàn bộ vốn theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2019. Giai đoạn 2017- 2018 là tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí SSG. Còn trong giai đoạn 2018 - 2019 thì PVN thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; Tổng công ty bảo dưỡng - sửa chữa công trình dầu khí - CTCP.
Đối với Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp dầu khí PV Tex (PVN đang nắm 74% vốn điều lệ) và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất – DQS (PVN đang nắm 100% vốn điều lệ) thì thực hiện sắp xếp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2017- 2020.
Ngoài các yêu cầu và khung thời gian hoàn thành trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương căn cứ vào Danh mục để xác định mốc thời gian hoàn thành cụ thể cho từng đơn vị theo năm và gửi Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp theo dõi, giám sát. Bộ Công Thương đôn đốc, giám sát PVN thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các công việc trong danh mục và lộ trình trên.
Ngoài ra, trong Quý III/2017, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án: Cơ cấu lại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí trước khi cổ phần hoá Tổng công ty; Tái cơ cấu, chuyển giao vốn PVN tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam; Sắp xếp đối với Trường Đại học Dầu khí và Viện Dầu khí Việt Nam.
Cũng trong Quý III/2017, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương báo cáo lý do mà Bộ này đề nghị duy trì tỷ lệ vốn PVN nắm giữ tại các doanh nghiệp sau đến hết năm 2020: Tổng công ty tư vấn thiết kế dầu khí, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí - CTCP.
Trong Quý IV/2017, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp và PVN xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017- 2020 trình Thủ tướng Chính phủ.
Đối với PVN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu có trách nhiệm triển khai sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn theo đúng danh mục và tiến độ. Trong quá trình thực hiện, những đơn vị có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thì Hội đồng thành viên PVN chủ động quyết định điều chỉnh tiến độ; những đơn vị có khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thì báo cáo Bộ Công Thương quyết định nhưng vẫn phải bảo đảm hoàn thành trong năm 2020.
Châu Như Quỳnh