Tập đoàn Dầu Khí lo mất 2 tỷ USD bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn tháo gỡ khó khăn về việc bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn bởi đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Bởi, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD để bù lỗ cho dự án.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7, PVN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy chế tài chính, Điều lệ tổ chức hoạt động, Kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2016- 2020.

Đáng chú ý, PVN đề nghị kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn cũng như nguồn để bù chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với Dự án Liên hợp Lọc Hoá dầu Nghi Sơn, cơ chế hoàn trả tiền PVN thay mặt Chính phủ bù cho Công ty TNHH Lọc Hoá dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại,...

Đây không phải lần đầu tiên PVN kêu lên cơ quan chức năng về những vướng mắc trong việc bao tiêu sản phẩm cũng như bù thuế cho lọc dầu Nghi Sơn.

Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa có vốn đầu tư lên đến 9 tỷ USD. PVN là đối tác nội duy nhất và là 1 trong 4 đối tác góp vốn vào dự án.


Việc bao tiêu sản phẩm và bù thuế cho lọc dầu Nghi Sơn là vấn đề phức tạp.

Việc bao tiêu sản phẩm và bù thuế cho lọc dầu Nghi Sơn là vấn đề phức tạp.

Tuy nhiên, vai trò của PVN ở dự án này không chỉ dừng lại ở số vốn góp chiếm 25,1%.

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ - do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).

Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Đây chính là mấu chốt cho các tính toán thiệt hơn ngày càng lộ rõ.

Trên thực tế, theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, nếu lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ cho nhà máy này.

Cụ thể, theo một tính toán gần đây, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Số tiền bù lỗ này sẽ lên 1,8 tỷ USD nếu giá dầu là 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỷ USD để bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.

Tóm lại, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.

Đó là chưa kể số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục công trình.

Cách đây ít lâu, phát biểu tại Hội thảo "thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế", ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng đã chỉ ra bất cập liên quan tới dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm theo lộ trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cụ thể, theo ông Trương Đình Tuyển, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.

Như vậy, nếu năm 2018 Lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận với nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.

Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0% .

"Vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết Nghi Sơn. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu? Con số này rất lớn mà phải nghĩ đến", ông Trương Đình Tuyển nói.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng đây là lỗi và khiếm khuyết của chúng ta khi đàm phán.

Theo: Lương Bằng

Vietnamnet