Chiến lược xuất nhập khẩu đến 2030:

Tạo sự bứt phá tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu ngành chế biến và chế tạo

Trần Kháng

(Dân trí) - Triển khai kế hoạch tái cơ cấu các ngành chế biến, chế tạo với thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.

Tạo sự bứt phá và động lực

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Chương trình đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:

Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Tạo sự bứt phá tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu ngành chế biến và chế tạo - 1

Tập chung tái cơ cấu các ngành chế biến, chế tạo kết hợp chuyển đổi số nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu (Ảnh minh họa: Nguyễn Tuyền).

Cụ thể, đối với việc phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, Quyết định nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững; kết hợp phát triển du lịch và ẩm thực với xuất khẩu nông sản, thủy sản; thúc đẩy nghiên cứu phát triển giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống sản phẩm mới, đặc thù, trong bảo quản sau thu hoạch nhằm tạo giá trị khác biệt cho hàng nông sản, tạo ưu thế riêng trong xuất khẩu trước các đối thủ cạnh tranh…

Ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng các trung tâm sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là một số lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, sản phẩm nhựa, điện tử, cơ khí…

Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp. Xác định cụ thể các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới như hàng hóa thân thiện với môi trường, sản phẩm điện tử, hàng dệt may kỹ thuật...

Phát triển thương hiệu đi cùng với chất lượng

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác điều phối phát triển theo vùng, lãnh thổ nhằm nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị trong nước, nhằm tận dụng lợi thế về tích tụ công nghiệp tại một số địa phương, vùng kinh tế.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ lực, phát triển thương hiệu đi cùng với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Lựa chọn một số sản phẩm nông sản thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác để hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu.

Các tỉnh, thành phố tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các địa phương về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch và tình hình xuất khẩu để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản minh bạch, công khai, có lợi cho người nông dân và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.