Tạo điều kiện tối ưu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
(Dân trí) - Các đại biểu thành viên APEC đều cho rằng cần chống phân biệt đối xử doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cần bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện tối ưu cho các DNNVV có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) APEC năm 2017 diễn ra vừa mới đây, nhiều ý kiến xác đáng phân tích về thực trạng, giải pháp cho các doanh nghiệp trong khu vực "vươn tầm".
"Đòn bẩy" thúc đẩy phát triển
Theo thống kê, tại Việt Nam, DNNVV đóng góp 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng trên 50% lực lượng lao động. DNNVV Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng khi số lượng sẽ tăng lên 1 triệu vào năm 2020 theo mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, chính loại hình doanh nghiệp này là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Daisaku Hiraki, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, có rất nhiều cơ hội để phát triển hội nhập kinh tế cho các DNNVV nhưng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp này vẫn chưa biết tận dụng những lợi thế tạo ra từ công nghệ thời đại số hóa. Do đó, Chính phủ các quốc gia thành viên APEC cần giúp doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện tối ưu cho các DNNVV có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở một góc nhìn khác, TSKH Trần Quang Thắng, Viện Trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, muốn cho DNNVV thực sự là "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển nền kinh tế thì phải tăng cường đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, xúc tiến đầu tư, trang bị hạ tầng tốt, chính sách thể chế của Nhà nước phải linh hoạt. Đặc biệt, cần chống phân biệt đối xử doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cần bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, vì chính doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là động lực tích cực để thúc đẩy sự phát triển.
Hoà vào chuỗi giá trị
Bà Sim Ann, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, quốc đảo này đang triển khai nhiều biện pháp nhằm mục tiêu hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho các doanh nghiệp phát triển, bao gồm cả DNNVV, trong đó tập trung vào các sáng kiến đổi mới, tăng cường kỹ năng quản lý, sáng tạo, nâng cao năng suất và quốc tế hóa.
"APEC chính là một môi trường tuyệt vời để các nền kinh tế chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua hội nghị này cũng giúp cho các nền kinh tế hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh của nhau, từ đó có các chính sách hợp lý cho các doanh nghiệp phát triển và hội nhập", bà Sim Ann nói.
Ông Tô Hoài Nam cho rằng, sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các DNNVV Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Hiện chỉ có 21% DNNVV Việt Nam liên kết được với chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi ở Thái Lan có thể lên 30% và 46% ở Malaysia.
Theo TSKH Trần Quang Thắng, nền kinh tế của Hồng Kông, Trung Quốc có 90% kết nối vào chuỗi hệ thống kỹ thuật, thương mại điện tử. Đây là đòn bẩy lớn để DNNVV phát triển. Hay như ở Philippines, họ phát triển nơi giao dịch ảo, từ giao này sẽ đưa qua giao dịch thật, giúp người mới tham gia hạ chi phí đầu tư...
Rào cản lớn để các DNNVV phát triển là chi phí về công nghệ có nơi còn cao. Sự hiểu biết về thương mại điện tử của các DN của Việt Nam còn thấp, chỉ 20% có hiểu biết, còn lại chưa biết.
Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam khẳng định rằng, việc các doanh nghiệp của Việt Nam chưa hòa vào một cách trơn tru với chuỗi giá trị toàn cầu là do môi trường kinh doanh vẫn còn không ít rào cản. Mặt khác, năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam còn yếu, kinh nghiệm hội nhập chưa nhiều, khả năng đáp ứng yêu cầu về công nghệ, chuẩn mực quản trị để cung cứng sản phẩm cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia còn thấp.
Để vượt qua thách thức này, theo ông Nam, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn việc cải cách các thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khâu đột phá trong phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế.
Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 đã chính thức bế mạc, thông qua 3 văn kiện quan trọng gồm: (1) Sáng kiến về Thúc đẩy khởi nghiệp APEC, (2) Chiến lược phát triển DNNVV xanh, bền vững và sáng tạo, (3) Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng phụ trách DNNVV lần thứ 24.
Các văn kiện trên một lần nữa nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của vấn đề phát triển DNNVV trong cộng đồng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Sáng kiến về Thúc đẩy khởi nghiệp và Chiến lược phát triển DNNVV xanh, bền vững và sáng tạo dự kiến sẽ được trình lên Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC tháng 11 tới đây tại Đà Nẵng.
Công Quang