Gia Lai

Tạo cơ hội xúc tiến đầu tư mạnh mẽ vào Tây Nguyên

(Dân trí) - Sáng 12/4, tại hội trường 2/9 TP.Pleiku, Gia Lai đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2, với mục đích tiếp tục tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào khu vực Tây Nguyên.

Tham dự Hội nghị gồm có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế trung ương; Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công An, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên…

Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có hơn 600 đại biểu là lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp.

Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh Tây Nguyên phối hợp tổ chức, và Gia Lai là tỉnh đăng cai tổ chức Hội nghị lần 2 này. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư trọng điểm cấp quốc gia nhằm giới thiệu với cac nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên; các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư, các dự án trọng điểm cần thu hút vốn… giai đoạn 2013-2015.

Khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng có tổng dân số là 4,8 triệu người, với diện tích tự nhiên hơn 5,4 triệu héc ta, trong đó đất đỏ bazan là 1,36 triệu héc ta. Tây Nguyên có nền văn hóa đa dạng và phong phú, là vùng đất tiềm năng lợi thế phát triển, nhất là về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch…
Tuy nhiên, nền kinh tế nơi đây còn nhiều khó khăn, sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí thấp. Nên việc đầu tư để phát triển Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và sự ổn định, phát triển bền vững đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

Hội nghị Xúc tiến đàu tư Tây Nguyên lần thứ 2
Hội nghị Xúc tiến đàu tư Tây Nguyên lần thứ 2

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Tây Nguyên là vùng đất có tiềm năng to lớn, thời gian qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Có nhiều chính sách ưu đãi với Tây Nguyên nói chung, đồng bào DTTS nói riêng. Các Quốc lộ 14, 19, đường Đông Trường Sơn, các sân bay ngày càng được nâng cấp mở rộng.

Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hóa với sản lượng lớn, chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng tăng, có lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước như cà phê, cao su, tiêu, bông vải… Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khu tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia phát triển.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên phát triển cần đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông… các địa phương cần tăng cường phối hợp cùng nhau tận dụng vốn quí về tiềm năng đất đai, cây công nghiệp, du lịch… Các bộ, ngành phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào Tây Nguyên, đầu tư trọng điểm có lan tỏa; tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao nguồn vốn đầu tư, tiếp sức và tạo đà cho Tây Nguyên phát triển và trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.

Tại Hội nghị lần này, sẽ có 12 dự án được ký kết đầu tư với số vốn lên đến gần 20.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư cũng cam kết đóng góp lớn vào chương trình an sinh xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên.

Thiên Thư