Tăng trưởng tín dụng không ý nghĩa nếu vốn không chảy vào sản xuất

(Dân trí) - "Đã đến lúc chúng ta thẳng thắn với nhau là cần "chất lượng" tăng trưởng tín dụng chứ đừng chạy theo con số...

Tăng trưởng 12% hay 14% sẽ không có nghĩa khi có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được vốn, nó càng không có nghĩa khi các ngân hàng sợ không dám cho vay mà tập trung mua trái phiếu, tín phiếu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khiến lượng vốn không được đưa ra sản xuất, không đến đúng nơi cần…”, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài Chính Ngân hàng
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài Chính Ngân hàng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hình ảnh thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông gây sốt

* Bộ Tài chính lên tiếng về khoản thưởng tiền tỷ cho các nhà thầu

* “Tôi tin, Uber không có động cơ kinh doanh trái phép”

* “Dở khóc, dở cười” khi đặt vé tàu qua mạng

* Việt Nam nhập khẩu than:Nghịch lý bán đi rồi lại mua về

* Điều chưa kể về người vợ được Bầu Đức dấu kín

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu về việc này.

Theo ông, từ nay đến cuối năm chỉ còn 1 tháng nữa chúng ta có đủ thời gian để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% - 14% như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra?

Thống đốc vừa cho biết dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 13%, theo quan điểm của tôi, chúng ta chỉ có thể đạt tăng trưởng dao động từ 12% đến 13% chứ khó có thể đạt được tối đa 14%. Đây là đã tính đến việc các doanh nghiệp tăng cường vay vốn cho kế hoạch cuối năm và các Ngân hàng Thương mại (NHTM) nới rộng các điều kiện cho vay, không sợ sệt vay các khoản có nguy cơ phát sinh nợ xấu như bất động sản, vay tiêu dùng…

Nếu mức tăng trưởng 12% hoặc 13% như dự báo, đây cũng là mức cao rồi vì từ năm 2011, mức tăng trưởng tín dụng chỉ dưới con số này. Năm 2013, 12,5%, 2012 là 8,91% năm 2011 là 11%. Nếu năm 2014, tín dụng đạt mức tăng trưởng 13%, coi như đã đạt thành tích tăng trưởng cao hơn so với các năm rồi.

Tuy nhiên, con số tăng trưởng tín dụng của NHNN đề ra sẽ có giá trị nếu khoản tiền cung ứng của các tổ chức tín dụng được đi vào sản xuất chứ không phải tập trung vào trái phiếu Chính phủ, Kho bạc và tín phiếu của NHNN. Đây là thực tế đã diễn ra trong hai quý đầu năm của năm 2014. Con số tăng trưởng tín dụng không quan trọng bằng chất lượng, dòng tiền cần đổ vào nơi sản xuất kinh doanh để tạo ra thặng dư hơn là việc các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu, tín phiếu để hưởng sự an toàn như thời gian vừa qua.

Theo ông, từ nay đến cuối năm có thể giảm lãi suất hay không?

Hiện Chính phủ dự báo mức lạm phát năm nay khoảng 3%, còn các dự báo khác mức lạm phát vào khoảng 3 - 4% năm nay. Mức lãi suất huy động của các Ngân hàng thương mại hiện tại, cuối tháng 10/2014 đồng loạt giảm xuống còn khoảng 5% cho kỳ hạn 3 tháng, 5,5%/kỳ hạn 6 tháng và 5,8% - 6%/kỳ hạn 1 năm.
 
Như vậy vẫn có điều kiện để giảm lãi huy động để giảm lãi vay. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi thì khó có thể giảm lãi vì cuối năm cầu vốn tăng cao hơn do các hoạt động vay tăng thêm. Mức lãi suất huy động như này đã đủ để các ngân hàng ổn định mức lãi vay rồi.

Về bài toán cân đối lợi ích, nếu giảm lãi suất huy động xuống 0.5 hoặc mạnh hơn là 1% thì sẽ gần bằng hoặc ngang bằng với mức lạm phát. Chắc chắn người gửi tiền sẽ rút tiền để phục vụ đầu cơ khác, không có lợi cho ngân hàng.

Còn để dựa vào giảm lãi huy động để giảm lãi vay theo tôi không nên. Ngân hàng Nhà nước vẫn còn cách là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống thấp hơn và có thể giảm có chọn lọc. Ngân hàng nào nhỏ, thanh khoản kém bắt họ có tỷ lệ dự trữ bắt buộc ít thôi để họ đẩy mạnh cho vay, cứ giữ tỷ lệ dự trữ cao đối với họ, về lý thuyết thì đảm bảo an toàn đấy nhưng thực tế họ có tiền để cho vay đâu.
 
Biện pháp này đã được Trung Quốc thực hiện khi họ chia các tổ chức tín dụng theo nhóm và áp dụng mức dự trữ bắt buộc khác nhau. Anh cho vay nhiều, phải có tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn, anh cho vay ít thì có tỷ lệ bắt buộc ít hơn, chứ không cào bằng 5% hoặc 2% như nhau được.

Ông nhận định gì khi gần đây, Hiệp hội DN vừa và nhỏ đánh giá 70% doanh nghiệp hiệp hội này khó và không thể tiếp cận được với tín dụng ngân hàng?

Thực tế là do xuất phát từ nỗi lo của các ngân hàng khi doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo vững chắc, chỉ đảm bảo nhà xưởng, hàng hóa nên rất rủi ro và có thể làm gia tăng nợ xấu, vốn là nỗi ám ảnh của họ.

Cũng cần nói thêm là các ngân hàng hiện rất muốn giải ngân bởi họ trước đó họ không thể cho vay dù có nhiều tiền, phải trả giá đắt khi “thừa tiền” đói “thanh khoản” kiểu nhà giàu cũng khóc rồi.
 
Tuy nhiên, vay như nào, đối tượng này cũng cần xét đến bài toán an toàn vốn và rủi ro có thể xảy ra. Tôi cho rằng, các DN nhỏ và vừa hiện chưa làm tốt việc lên kế hoạch vay, trả nợ vay và cam kết trả nợ. Ai cũng sợ cảnh 5 ông ngân hàng quây 1 chiếc xe, 1 nhà xưởng để tránh mất tài sản của mình.

Tăng cường cho vay DN nhỏ và vừa, hiện Chính phủ có quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ 2.000 tỷ đồng từ tháng 9/2014. Tuy nhiên, quỹ nằm trong tay 1 số ngân hàng thương mại, quy định: “tự quyết định cho vay và chịu trách nhiệm với rủi ro tín dụng đối với các dự án cho vay”... Chính vì nguyên nhân này cũng sẽ khiến các ngân hàng lo sợ, thận trọng hơn và lại có rất nhiều quy định bắt buộc để tiếp cận vốn.

Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ hoạt động tại nông thôn tiếp cận vốn khó, đâu là nguyên nhân và cần giải pháp gì khơi thông vốn cho họ?

Về lĩnh vực nông nghiệp, đây là dư địa cần vốn nhưng các điều kiện vay vốn cũng như đảm bảo vốn vay đang bị hạn chế. Các ngân hàng ở nông thôn, cho vay lĩnh vực nông thôn đã ít nay càng ít hơn, theo tôi thấy chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và các Quỹ tín dụng của trung ương hoặc địa phương có hoạt động cho vay chiếm đa số, còn các ngân hàng thương mại khác rất ít.

Thực tế vay của người nông dân, chủ xưởng sản xuất tại các ngân hàng hiện còn đạt tỷ lệ thấp, số vốn cho vay không nhiều. Vay ít, người vay phải có sổ đỏ, tài sản đảm bảo, vay nhiều tiền phải trình kế hoạch kinh doanh, vay, trả nợ và cam kết trả nợ… Người nông dân, chủ xưởng sản xuất lại không quen với việc này.

DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ có rủi ro mất vốn rất cao do chăn nuôi bị dịch hại, mất năng suất, mất mùa và mất giá. Dư địa tín dụng cao nhưng tài sản đảm bảo thấp, nên chỉ những khoản vốn được hỗ trợ của Trung ương mới được mạnh dạn cho vay mà thôi, còn nếu không chỉ có những hộ, chủ xưởng có lịch sử trả nợ tốt, bản cân đối tài chính sạch mới được vay và vay nhiều vốn.

Chính vì những rủi ro này nên thời gian hơn 10 năm trở lại đây, lũ lượt rất nhiều ngân hàng xuất thân, ra đời từ nông thôn đã rời bỏ khu vực này để lên thành phố, “lập ấp thay tên” tham gia cung ứng vốn cho các ngành và lĩnh vực béo bở hơn như: thương mại dịch vụ, xây dựng và bất động sản. Nhà nông vốn khó lại ngày càng ít người cho vay và tiếp cận vốn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”