Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sau 9 tháng ra sao?
(Dân trí) - Tháng 9 - thời điểm kết thúc quý III - là lúc tín dụng có dấu hiệu khởi sắc, sau nhiều tháng trầm lắng, thậm chí "đi lùi" nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ và chỉ bằng một nửa mục tiêu cả năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 6,81%. Trước đó, nhà điều hành tiền tệ cho biết tăng trưởng tín dụng tại thời điểm ngày 29/9 là 6,92%.
Tháng 9 - thời điểm kết thúc quý III - là lúc tín dụng có dấu hiệu khởi sắc, sau nhiều tháng trầm lắng, thậm chí "đi lùi". Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ và chỉ bằng một nửa kế hoạch đặt ra cả năm của nhà điều hành tiền tệ.
Còn trong báo cáo tài chính quý III/2023, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được tiết lộ. Trong đó có thể kể đến điểm sáng là khoảng 15 ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức từ 10% trở lên. Một số cái tên có thể kể đến là VPBank (25%), MSB (18%), MB (16,4%), Techcombank (12,5%)...
Ngân hàng lớn đẩy mạnh cho vay
Có 12 ngân hàng niêm yết công bố chi tiết phân tích dư nợ theo từng ngành nghề kinh doanh. Đáng chú ý, tại một số đơn vị, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đang là chủ lực, trong khi cho vay tiêu dùng giảm.
VPBank - đơn vị ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao nhất 3 quý đầu năm - dành nhiều room cho vay kinh doanh bất động sản - một trong 2 lĩnh vực có mức tăng dư nợ cao nhất.
Doanh số cho vay bất động sản với khách hàng doanh nghiệp đạt 79.500 tỷ đồng, chiếm 17,71% tổng dư nợ cho vay 9 tháng, tăng từ mức 52.000 tỷ đồng, tương đương 14,39% tổng dư nợ ở thời điểm cuối năm ngoái.
Ngân hàng này dành gần 88.500 tỷ đồng cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở. Khoản này chiếm tỷ trọng 19,48% tổng dư nợ cho vay, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái là 22,93%.
Techcombank thì ghi nhận dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng hơn 50.000 tỷ đồng sau 9 tháng, là lĩnh vực tăng cao nhất và chiếm phần lớn mức tăng trưởng tín dụng của cả ngân hàng. Đến cuối quý III, tỷ trọng mảng này chiếm 34,63% dư nợ cho vay khách hàng, tăng mạnh so với mức 26,44% vào đầu năm.
Chiều ngược lại, cho vay cá nhân của Techcombank giảm gần 20.000 tỷ đồng, tỷ trọng đầu năm là 52,86% song hiện giảm xuống còn 42,6%.
Nằm trong "top" các ngân hàng đổ thêm tín dụng vào kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 9 còn có HDBank, MB, TPBank, VietBank, MSB…
Tại HDBank, hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản của ngân hàng tăng gần 15.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ trọng mảng này trên tổng dư nợ cho vay là 12,89%, tăng so với mức 8,49% ở đầu năm.
Còn tại MB, tỷ trọng mảng này trên tổng dư nợ cho vay là 6,81% tính tới cuối quý III, quy mô cho vay cũng tăng hơn 13.000 tỷ đồng. Mảng có mức tăng mạnh nhất của MB là hoạt động bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 28,38%; tín dụng hộ kinh doanh là 26,14% và tín dụng cho công nghiệp chế biến, chế tạo là 16,73%.
Các ngân hàng top giữa thích cho vay lĩnh vực nào?
Với MSB, tín dụng tập trung cho thương mại hàng công nghiệp nhẹ, kinh doanh vật liệu xây dựng, cho vay cá nhân và kinh doanh bất động sản. Ngân hàng dành 12.450 tỷ đồng, tức 8,87% tổng dư nợ cho vay bất động sản tại ngày 30/9. Trong khi đó, thời điểm cuối năm ngoái, dư nợ cho vay bất động sản là 10.386 tỷ đồng, chiếm 8,75% tổng dư nợ.
Tại SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản đến ngày 30/9 là hơn 67.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm. Mảng kinh doanh bất động sản đang giữ vị trí thứ 2 với 16,08% tổng dư nợ, tăng so với mức 6,75% đầu năm. Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là lĩnh vực chiếm dư nợ lớn nhất ngân hàng này với hơn 29%.
VIB vốn là ngân hàng tập trung tín dụng lĩnh vực làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng cho lĩnh vực này cuối tháng 9/2023 là 83,47%, cũng đã giảm nhẹ so với 87,63% cuối năm ngoái. Còn cho vay bất động sản tại đây là 1.697 tỷ đồng, tương đương 0,69% tổng dư nợ.
4 ngân hàng lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank luôn ghi nhận quy mô cho vay khách hàng hơn 1 triệu tỷ đồng, song không bóc tách chi tiết dư nợ với từng lĩnh vực.
Ngân hàng Nhà nước sau đó đã nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, phấn đấu mức giảm ít nhất từ 1,5 đến 2 điểm % một năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trước phản ánh "lãi cao, tiếp cận vốn khó" tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/11 cho biết lãi suất điều hành được điều chỉnh 4 lần, đưa mặt bằng lãi suất các khoản cho vay mới giảm 2% so với năm ngoái. Nếu tính cả những khoản dư nợ của khoản vay cũ và mới, lãi suất vay đã giảm khoảng 1 điểm % so với cuối 2022.
Vào ngày 17/11, báo Dân trí tổ chức hội thảo với chủ đề "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" tại TPHCM. Độc giả đăng ký tham dự hội thảo tại đây .
Với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế vĩ mô và điều hành tín dụng trong năm 2023, dự báo năm 2024; đồng thời gợi mở một loạt giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp và điều kiện ưu đãi.
Hội thảo cũng bố trí quầy tư vấn hồ sơ trực tiếp để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm khơi thông dòng tiền, tạo động lực tăng trưởng đón đầu chu kỳ phục hồi mới của nền kinh tế.
"Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" là hội thảo nằm trong chuỗi "Đối thoại và Giải pháp" do báo Dân trí tổ chức. Tại "Đối thoại và giải pháp", các diễn giả là nhà làm chính sách, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, thành tố lĩnh vực kinh tế... sẽ cùng bàn luận, nêu quan điểm, góc nhìn, đồng thời đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho những vấn đề kinh tế nóng hổi, cấp bách, được dư luận quan tâm.