Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

(Dân trí) - Sự sụt giảm trong xuất khẩu đặt ra câu hỏi về việc các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hiệu quả ra sao nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc?

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - 1

Nhu cầu giảm đột ngột tại thị trường Trung Quốc đã khiến nhiều công ty Nhật Bản giảm doanh thu.

Trong những năm gần đây, nhu cầu trên toàn cầu về máy móc kỹ thuật chính xác, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã tăng doanh số cho nhiều công ty Nhật Bản, giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm.

Tuy nhiên, doanh số bán sang Trung Quốc của những công ty Nhật Bản này đã sụt giảm trong tháng 11 và tháng 12 khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Nidec, công ty phụ thuộc vào Trung Quốc khoảng 40% doanh thu, đã cắt giảm hơn 25% dự báo lợi nhuận.

Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Nidec, ông Shigenobu Nagamori, đã nói với các phóng viên vào tháng 1 rằng: “Tôi đã quản lý công ty này 46 năm nay và đây là lần đầu tiên tôi thấy các đơn đặt hàng hàng tháng của chúng tôi giảm mạnh như thế này”.

Sự tái sinh kinh tế của Nhật Bản đang gặp khó khăn và Trung Quốc cũng có một phần trách nhiệm. Xuất khẩu đã sụt giảm, và các công ty phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc đang cắt giảm dự báo lợi nhuận trong khi các nhà máy thì nhàn rỗi.

Bên cạnh đó, kết hợp với các vấn đề khác, bao gồm chi tiêu trong nước giảm và dân số già cỗi, thì việc nền kinh tế giảm tốc của Trung Quốc cũng đưa ra một thách thức lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe và chương trình kinh tế mang tên Abenomics của ông, khi ông chuẩn bị cho một cuộc bầu cử quan trọng vào mùa hè này.

Cụ thể, nó đặt ra câu hỏi cho ông Abe rằng, liệu ông có thể khắc phục các sự cố ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế trong nước mà không cần sự thúc đẩy từ Trung Quốc không?

Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái. Sản lượng công nghiệp giảm trong 3 tháng liên tiếp trước khi tăng nhẹ vào tháng 2/2019. Mức lương cũng chỉ tăng khiêm tốn sau khi chính phủ kịp thời xoa dịu một chiến dịch gây áp lực lên các công ty Nhật để đòi tăng lương.

Vào giữa tháng 3, chính phủ đã hạ cấp đánh giá nền kinh tế lần đầu tiên sau 3 năm, và chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính.

Các đề xuất cho nền kinh tế của ông Abe, được cho là sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng suy thoái đã bắt đầu từ đầu những năm 1990. Chúng bao gồm những gì ông gọi là ba mũi tên của Abenomics: tăng cung đồng tiền Nhật Bản, tăng chi tiêu của chính phủ và đề xuất sửa chữa các vấn đề lâu dài khiến các công ty không thuê tuyển và đầu tư.

Tuy nhiên, Shinichiro Kobayashi, một nhà kinh tế cấp cao thuộc bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ cho biết, không có chỗ trống nào trong nền kinh tế hiện nay để áp dụng một số chính sách bổ sung nữa.

Điều đó có nghĩa là tăng trưởng của Nhật Bản trong tương lai có thể phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Khi dân số Nhật Bản già đi và nhu cầu suy giảm, các công ty Nhật Bản ngày càng tìm đến Trung Quốc để mở rộng doanh thu. Sự tăng trưởng trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc và sự tinh vi ngày càng tăng của cơ sở sản xuất của nó đã kích thích các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp cao cấp.

Nhưng ít nhất trong ngắn hạn, nhu cầu đó cũng đang suy yếu. Vào tháng 1, tỷ lệ Nhật Bản xuất khẩu công nghiệp sang Trung Quốc đã giảm hơn 17% so với một năm trước đó, sau khi giảm hơn 6% trong tháng 12. Mặc dù xuất khẩu sang nước này đã tăng trở lại vào tháng Hai, nhưng lợi nhuận đó chưa đủ để bù đắp lại.

Sự thay đổi đột ngột tại thị trường Trung Quốc đã buộc nhiều công ty Nhật Bản phải giảm dự báo thu nhập của họ. Các công ty điện tử tiêu dùng và các nhà sản xuất ô tô nói riêng đã bày tỏ sự bi quan về điều kiện thị trường, với các thương hiệu hàng đầu như Nissan, Nikon và Sony cũng chuyển sang kỳ vọng vào doanh số bán hàng trong nước.

Bức tranh còn phức tạp hơn bởi những xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Cuộc chiến thương mại là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Nhật Bản”, ông Kobayashi cho biết thêm.

Hồng Vân (Tổng hợp)