Tăng tốc xuất khẩu thủy sản cuối năm

Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm của ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, dư lượng kháng sinh, ký quỹ Bond…, nhưng kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD, tăng trên 9% so cùng kỳ năm 2004. Để đạt 1,4 tỷ USD còn lại đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ để giúp sức DN vượt qua khó khăn và quan trọng hơn cả là tiêu thụ hết hàng hóa trong dân.

Tại buổi họp tìm các giải pháp thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu thủy sản ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc nhấn mạnh, chỉ tiêu kế hoạch 2,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm nay không thể thay đổi.

Phát huy khả năng vùng động lực

Trong số 2,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, thì các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến phía các tỉnh phía Nam Trung bộ, chiếm khoảng 2,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả nước, nên vùng động lực xuất khẩu thủy sản phải được tạo mọi điều kiện để có thể phát huy hết khả năng, tiềm lực trong giai đoạn quyết định này.

Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau cho biết, khó khăn cũ chưa giải quyết xong, mới đây giá xăng dầu lại tăng thêm, làm nhiều tàu phải đậu bến, không dám ra khơi. Nhưng nhìn chung, với kim ngạch đạt 194 triệu USD trong 6 tháng, tăng 8% so cùng kỳ không phải là quá bi quan đối với tỉnh, nhất là thời kỳ sôi động nhất trong xuất khẩu thủy sản tập trung vào những tháng cuối năm.

Nhìn lại những gì đã làm được và khả năng hiện có: nguyên liệu không thiếu, khả năng chế biến tăng lên… Cà Mau vẫn sẽ là… Cà Mau - địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, để có thể hoàn thành kế hoạch.

Nhưng để vùng động lực phát triển, tỉnh kiến nghị Bộ Thủy sản và Chính phủ xem xét việc tái đầu tư tại địa phương và toàn vùng đúng với những gì địa phương đóng góp, tạo mọi điều kiện để có thể phát huy hết tiềm năng trước khi nói đến việc phát triển bền vững.

Ông Trần Thiện Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải cho biết, từ tháng 6, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng lên, nhất là tôm cỡ lớn, do thế giới không có nhiều nơi cung cấp, nhà nhập khẩu cũng hết hàng tồn kho, nên chấp nhận đóng bond (thay vì ép DN Việt Nam phải ký quỹ) để nhập hàng.

Thị trường Nhật Bản cũng chuyển động theo, sau thời gian hạn chế nhập để kềm giá. Lượng hàng tồn kho của DN hầu như không còn. Với tình hình này, những tháng tới, xuất khẩu thủy sản sẽ thuận lợi hơn so với những tháng đầu năm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, diễn biến năm nay khá giống năm 2003, cũng gặp nhiều khó khăn những tháng đầu năm, nhưng những tháng còn lại cuối năm đã có sự tăng tốc một cách bất ngờ để về đích.

4 nhóm giải pháp

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho rằng, để có thể hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, toàn ngành tập trung thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, nhà nước sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu.

Ngay trong tháng 7, Bộ Thủy sản sẽ điều chỉnh kế hoạch cho hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn ở thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, phải mở rộng thị trường xuất khẩu bằng các hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường Đông Âu, Trung Đông, Nam Phi, Canada, Trung Quốc…

Ngoài ra, đối với mặt hàng cá tra, ba sa, mở rộng hơn nữa thị trường nội địa, sản xuất ra nhiều mặt hàng chế biến, đưa ra các siêu thị nhà hàng và triển khai việc thử nghiệm bán các sản phẩm qua hệ thống siêu thị Metro. Thứ hai là đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, triển khai các biện pháp để quản lý vùng nuôi và chất lượng sản phẩm.

Thứ ba là tiết kiệm nguyên liệu, chi phí sản xuất, tổ chức lại các đội tàu khai thác hải sản theo hướng sử dụng hợp lý. Thứ tư là phát huy tối đa khả năng thông qua phong trào thi đua yêu nước toàn ngành, động viên mọi nguồn lực và thành phần kinh tế cùng tham gia.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và thú y Thủy sản Nguyễn Tử Cương nhận định, giữ nguyên chỉ tiêu 2,5 tỷ USD là có cơ sở, ngoài hoạt động sôi nổi vào những tháng cuối năm. Số DN đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nhiều nước tăng lên 260 DN, so với năm 2004 là 240 DN.

Theo SGGP