Tăng thuế VAT "rất nhạy cảm", nên là "lựa chọn cuối cùng"
(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nên lựa chọn các giải pháp khác như mở rộng đối tượng chịu thuế, giảm ưu đãi không cần thiết, chống thất thu trước khi tính tới tăng thuế. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thuế cũng phải có đánh giá tác động tới từng nhóm đối tượng và điều kiện vĩ mô.
Phát biểu tại tọa đàm "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế" diễn ra sáng nay (12/9), chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, dù cá nhân ông chưa đủ cơ sở để nhận xét đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% có phù hợp hay không nhưng chính sách thuế có nhiều cách chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, đặc biệt là với sắc thuế có tầm ảnh hưởng rộng như VAT.
"Lựa chọn đầu tiên là mở rộng đối tượng chịu thuế, giảm ưu đãi không cần thiết với doanh nghiệp, chống thất thu thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng”, ông Vũ Đình Ánh nói.
Theo ông Ánh, việc điều chỉnh thuế phải có đánh giá tác động theo từng nhóm đối tượng cũng như tác động tới ngân sách.
"Với sắc thuế VAT thì phải “bám” theo chức năng của thuế VAT, điều chỉnh lại thuế thu nhập thì việc phân phối lại thu nhập cũng phải được giải thích rõ. Cùng với đó là phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh này tới các hộ gia đình, tới ngành nghề kinh doanh, cán cân thanh toán, thương mại và cả năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... Tiếp đó mới là đánh giá tác động tới quy mô ngân sách và điều tiết kinh tế vĩ mô", ông nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, thuế VAT nếu tăng từ 10% lên 12% sẽ "rất nhạy cảm" và việc đánh giá người thu nhập thấp có tác động hay không thì “không nói khơi khơi" mà phải có chứng minh xem tác động đó là bao nhiêu.
“Chúng ta cân nhắc tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, thậm chí sau năm 2018 có thể bàn đến chuyện tăng tiếp từ 12% lên 14%. Tuy nhiên, lựa chọn này rất nhạy cảm tác động lên nền kinh tế, chúng ta phải đưa ra được căn cứ, lý do tại sao tăng và thời điểm tăng khi nào phù hợp”, ông nhấn mạnh.
Còn theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO, tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt, có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
"Việc tăng thuế cần nhìn nhận khách quan và không nên tạo cú sốc cho cộng đồng. Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng và doanh nghiệp chỉ là người thu hộ nhưng vẫn tác động đến doanh nghiệp vì sức mua hàng hóa giảm. Sửa Luật thuế phải tạo được niềm tin với dân”, ông Giám nhấn mạnh.
Theo ông Giám, thuế VAT đang đóng góp 25-27% tổng nguồn thu của ngân sách. Mặc dù thuế suất ở Việt Nam đang nằm ở mức giữa nhưng so với nhiều nước như ở châu Âu (21,5%) mức đóng VAT vào tổng thu ngân sách của Việt Nam cao hơn họ.
"Về thuế VAT, tăng thuế là việc khó, nhiều doanh nghiệp chưa chắc thay đổi giá cả, có thể tăng mặc bằng giá chỉ tăng nhẹ 1%, không quá ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Nhưng nếu cẩn thiết thì phải làm cho minh bạch, rõ ràng, giải thích rõ cho doanh nghiệp và nhân dân”, ông Giám nói.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Giám cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 105.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong đó khoảng 90% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy các doanh nghiệp này vẫn có lãi nhưng đóng góp cho ngân sách Nhà nước chưa được nhiều. Vì vậy, ông Giám đề nghị, thay vì giảm thuế TNDN xuống còn 15 - 17% thì giảm mạnh xuống 10 - 15% để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Phương Dung