Tân Thuận (IPC): Lương nhân viên gần 30 triệu đồng/tháng; làm giàu nhờ Phú Mỹ Hưng
(Dân trí) - Các số liệu trong báo cáo tài chính của Tân Thuận (IPC) cho thấy một bức tranh khá “lạ” ở doanh nghiệp này khi lãi thu về lại không nhờ hoạt động kinh doanh chính mà từ nguồn tiền được chia tại các công ty liên kết, đặc biệt là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Lợi nhuận gần gấp 5 lần doanh thu
Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước và được chuyển đổi thành công ty TNHH vào năm 2010. Công ty này có vốn điều lệ 2.926,4 tỷ đồng do UBND TPHCM sở hữu 100% vốn (cần phân biệt với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, doanh nghiệp thuộc Thành uỷ TPHCM).
Hoạt động chính trong năm của Tân Thuận (IPC) là kinh doanh nhà, cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi trong khu công nghiệp; kế thừa chức năng của chương trình công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, đối tác Việt Nam trong Công ty TNHH Tân Thuận và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Công ty này cũng nghiên cứu, thực hiện các định hướng, mục tiêu chương trình, dự án đầu tư phát triển về xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng cho các Khu chế xuất, Khu công nghiệp và các cụm dân cư, khu đô thị mới tại TPHCM và các địa phương khác.
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2018 đã được kiểm toán của Tân Thuận (IPC), có một điểm khá thú vị và “lạ” ở công ty này đó là doanh thu, lợi nhuận thu về không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà lại từ hoạt động “khác”.
Cụ thể, trong năm 2018, Tân Thuận ghi nhận doanh thu thuần tăng vọt lên 137,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Mặc dù giá vốn cũng tăng mạnh gấp 2,7 lần lên 75 tỷ đồng song lãi gộp của công ty này vẫn đạt con số 62,6 tỷ đồng, gần đôi năm 2017.
Tuy chi phí (bao gồm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) không thay đổi đáng kể, thậm chí có phần giảm, song lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Tân Thuận năm vừa rồi lại chỉ bằng 7,7% kết quả đạt được trong năm 2017.
Nguyên nhân là doanh thu hoạt động tài chính của công ty này bị “bốc hơi” rất mạnh, từ hơn 761 tỷ đồng của năm 2017 xuống còn hơn 86 tỷ đồng trong năm 2018.
Nếu như năm 2017, Tân Thuận dựa vào nguồn thu hoạt động tài chính thì trong năm 2018 thu nhập khác của công ty này lại tăng đột biến lên 630,5 tỷ đồng so với mức 8,9 tỷ đồng của năm trước (tức tăng đến… 71 lần).
Nhờ đó, mặc dù doanh thu chưa tới 140 tỷ đồng như Tân Thuận (IPC) vẫn có lãi trước thuế 681,7 tỷ đồng trong năm 2018 và lãi sau thuế 665,9 tỷ đồng. Tính ra, tỷ suất sinh lời trên doanh thu của doanh nghiệp này lên tới 484%.
Phú Mỹ Hưng – “gà đẻ trứng vàng”
Thuyết minh BCTC cho thấy, nguồn thu nhập “khác” trong năm 2018 của Tân Thuận (IPC) phần lớn là số cổ tức, lợi nhuận được chia lên tới 626,3 tỷ đồng.
Công ty này đang sở hữu 75% Công ty CP Tiếp vận Đông Sài Gòn (FSI) với giá trị đầu tư 489 tỷ đồng; 48,67% vốn Công ty CP Long Hậu với giá trị đầu tư 261,3 tỷ đồng; 40,54% vốn Công ty CP KCN Hiệp Phước với giá trị đầu tư 243,3 tỷ đồng; 31,5% vốn của Công ty TNHH Tân Thuận với giá trị đầu tư là 132,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tân Thuận (IPC) cũng có 30% cổ phần trong Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng với giá trị đầu tư là 250 tỷ đồng và 20% Công ty Cảng Container Trung Tâm Sài Gòn với giá trị đầu tư 342,4 tỷ đồng…
Tổng số tiền đầu tư vào công ty liên doanh liên kết của Tân Thuận đến cuối năm 2018 ở mức 1.446,4 tỷ đồng và đang phải dự phòng 342,4 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng có thể coi là “gà đẻ trứng vàng” cho Tân Thuận (IPC). Trong năm ngoái Tân Thuận (IPC) ghi nhận tới 445 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (con số này trong năm 2017 là 411 tỷ đồng). Ngoài ra, lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Tân Thuận là 72,2 tỷ đồng (hơn gấp đôi so với 2017); từ Công ty TNHH Sepzone – Linh Trung là 61,6 tỷ đồng.
(Ảnh chụp màn hình BCTC)
Cũng trong năm 2018, công ty ghi nhận bị giảm hơn 354 tỷ đồng tổng tài sản, đạt 5.313,3 tỷ đồng ở thời điểm 31/12/2018. Trong khi đó, nợ phải trả lại tăng hơn 130 tỷ đồng lên 967,5 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu thì giảm hơn 484 tỷ đồng còn 4.345,8 tỷ đồng vào cuối năm.
Theo kế hoạch tiền lương mà công ty này công bố thì trong năm 2018, với số lượng 118 lao động tại công ty mẹ, mức lương bình quân là 27,38 triệu đồng/người/tháng (tương đương với mức lương thực hiện năm 2017).
Lương cơ bản bình quân của 12 người quản lý tại Tân Thuận ở mức 27,42 triệu đồng/người/tháng và mức lương bình quân là 54,83 triệu đồng/người/tháng.
Theo đó, năm vừa rồi, theo dự toán, công ty này chi 7,89 tỷ đồng cho quỹ tiền lương quản lý và quỹ tiền lương cho người lao động là 38,77 tỷ đồng.
Mai Chi