ĐBSCL:

Tận thu cam non xuất đi Trung Quốc

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều thương lái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mua nông sản “lạ” như: hoa thanh long, cau non, ốc bươu vàng… Mới đây họ còn lùng mua cả cam sành còn non rồi xắt mỏng, phơi khô bán sang Trung Quốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Hiện tại, nhiều thương lái ở khu vực ĐBSCL tổ chức thu mua cam non sau đó mướn nhân công xắt nhỏ, phơi khô rồi xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Cách thu mua đáng ngờ này lại được nhiều nông dân hưởng ứng vì hái cam tỉa thưa, cam rụng cũng bán có giá 2.000 đồng/kg.
 
Nông dân Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Hòa Ân (Cầu Kè, Trà Vinh) cho biết: “Vườn cam nhà tôi 4 công do xử lý vụ nghịch nên phải cắt bỏ hết tất cả các quả non. Bình thường những quả non này sẽ bỏ đi nhưng thời gian gần đây thương lái thu gom nên tôi gom lại bán được hơn 100 kg kiếm tiền mua phân bón”.
 
Theo ông Thanh, thương lái thu mua nhưng không biết chở đi đâu và với mục đích gì. Có người nói đem làm nhang muỗi, trần bì trong thuốc bắc, xuất sang Trung Quốc…

Cam non đủ kích cỡ được thương lái thu mua về xắt mỏng, phơi khô rồi xuất đi Trung Quốc
Cam non đủ kích cỡ được thương lái thu mua về xắt mỏng, phơi khô rồi xuất đi Trung Quốc

Nhờ mua cam non mà ông Nguyễn Văn Tồn, ngụ xã Hòa Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) được thương lái ở địa phương mướn xắt cam non với giá 500 đồng/kg. Ông Tồn cho biết: “Ngày nào không có việc làm tôi đến xắt cam non kiếm cũng được vài chục ngàn đồng. Mùa này nhiều nông dân bán cam non nhưng chủ yếu là cam rụng và cam tỉa thưa để xử lý cho ra trái ở vụ nghịch”.

Ông Tồn được thuê xắt cam non với giá 500 đồng/kg
Ông Tồn được thuê xắt cam non với giá 500 đồng/kg

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Gần đây một số nông dân trồng cam trên địa bàn có bán cam non cho các thương lái thu gom, xắt mỏng rồi cung ứng cho các nơi. Tuy nhiên, hầu hết là cam rụng, cam nông dân cắt để nuôi những trái đẹp, lớn hơn… Trước đây nông dân không sử dụng thường cắt rồi bỏ tại gốc còn giờ được tận thu bán cho thương lái”.

Tại các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long gần đây cũng xuất hiện thương lái thu mua cam non. Ông Võ Châu Nhu, ngụ xã Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Việc thương lái thu mua cam non xuất hiện trên địa bàn gần 1 tháng nay, gia đình tôi trồng 3 công cam sành gần đây tỉa thưa được 2 đợt bán gần 100 kg cho chủ vựa rồi sau đó họ chuyển đi đâu không ai biết”. Theo ông nhu, giá bán cam non hơi thấp nhưng nếu không bán thì cũng để tại gốc vì vụ nào nông dân cũng phải cắt bỏ bớt.

Sân phơi cam non xắt mỏng tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)
Sân phơi cam non xắt mỏng tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)

Dọc theo Quốc lộ 54 thuộc địa bàn xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) có rất nhiều hộ trưng bảng thu mua cam non, cam khô. Tất cả cam nhỏ bằng ngón chân cái đến cổ tay mà nông dân gọi làm cam lở đều được thương lái thu mua với giá 2.000 đồng/kg. Một thương lái thu mua cam non cho biết: “Tôi mua cam non giá 2.000 đồng/kg sau đó đem về mướn nhân công xắt mỏng với giá 500 đồng/kg rồi phơi khô suốt 3 nắng để bán cho thương lái lớn trên TP Hồ Chí Minh với giá 12.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 2 tấn cam non từ các nhà vườn để cung ứng cho các đầu nậu nghe nói họ xuất sang thị trường Trung Quốc”.

Những quả cam bé xíu cũng được mua với giá 2.000 đồng/kg
Những quả cam bé xíu cũng được mua với giá 2.000 đồng/kg

Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn cho biết: “Việc thương lái thu mua cam non xuất hiện lâu nay ở địa bàn nhưng chủ yếu là cam rụng và cam nông dân cắt bỏ để xử lý ra trái vụ nghịch nên không ảnh hưởng tới năng suất. Một số thương lái cho rằng phơi khô để làm trần bì trong thuốc bắc”.

Trưng bảng mua cam non, cam khô tại huyện Trà ôn (Vĩnh Long)
Trưng bảng mua cam non, cam khô tại huyện Trà ôn (Vĩnh Long)

Việc thu mua cam non giúp nông dân tận thu từ những thứ trước đây xem như bỏ đi nhưng người dân nghi ngờ cách thu mua “lạ đời” của thương lái Trung Quốc. Một số nông dân cho rằng, nếu không thận trọng sẽ nhận lấy hậu quả như nhiều loại nông sản khác đã từng “dính bẫy” thương lái Trung Quốc.

Minh Giang
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”