Tân Tạo thoát án "tử hình" tại dự án 6,7 tỷ USD
(Dân trí) - Chính phủ đã đồng ý việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương I do CTCP Năng lượng Tân Tạo làm chủ đầu tư sang hình thức BOT thay vì yêu cầu thay đổi chủ đầu tư hoặc "dẹp" dự án này.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương bị "ngâm" từ 2010 cho tới nay không triển khai do thiếu vốn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) vừa công bố công văn của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) gửi CTCP Năng lượng Tân Tạo (công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - ITA) về việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương I.
Theo đó, ngày 20/2/2014, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 1167/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Chính phủ Việt Nam cho phép CTCP Năng lượng Tân Tạo chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương I tại tỉnh Kiên Giang sang hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Công ty được yêu cầu phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định hiện hành.
Về phía Tân Tạo, Tập đoàn cho biết đã và đang làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi và kinh nghiệm mong muốn được tham gia cùng với Tập đoàn về dự án này theo hình thức BOT.
Như vậy, Tân Tạo đã thoát án "tử hình" với dự án tỷ đô này. Trước đó, do bức xúc với tình trạng kéo dài lê thê của Nhiệt điện Kiên Lương (ngâm dự án từ tháng 8/2010 tới nay không triển khai do chưa thu xếp được vốn), UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm dự án này. Tuy nhiên, do Tân Tạo đã "đổ" vào dự án này 240 triệu USD nên Bộ Công thương đã dành cho Tân Tạo cơ hội đưa ra ý kiến cuối cùng để đảm bảo quyền lợi của mình cũng như tạo sự công bằng.
Được biết, ban đầu, Tân Tạo đề nghị đầu tư theo phương thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) nhưng đồng thời kiến nghị một loạt các cơ chế chính sách như phải có bảo lãnh của Chính phủ, đối với các khoản vốn vay phải có cam kết về cân đối ngoại tệ và phải áp dụng luật của nước ngoài - đây đều là những yêu cầu không có tiền lệ.
Do đó, sau khi Bộ Công thương trao đổi lại thì Tân Tạo lại đề nghị chuyển hình thức đầu tư sang BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), song vẫn còn kèm theo một loạt những kiến nghị mang tính điều kiện đảm bảo.
Trên thị trường chứng khoán, ITA đang có chuỗi giao dịch đầy tích cực với thanh khoản luôn trong nhóm cao nhất thị trường. Phiên giao dịch gần nhất (7/3), cổ phiếu ITA đã tăng 300 đồng. Sáng nay, (10/3), ITA tiếp tục tăng giá 400 đồng tương ứng 4,88% lên 8.600 đồng/cp và được giao dịch rất mạnh, lên tới 12,57 triệu cổ phiếu được sang tay.