"Tâm sự" của doanh nghiệp có giá... 1 USD

“Nhìn chung, các diễn biến sau khi mua doanh nghiệp là khá lạc quan” - ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Trẻ Đồng Nai (DonaCorp) nói về thương vụ <a href="http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/8/132908.vip"> mua Cheerfield Rama Việt Nam với giá 1 USD</a> vào đầu tháng 8 vừa qua.

Xin ông cho biết vì sao công ty lại chọn cách "khai trương" hoạt động bằng việc mua doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với giá 1 USD?

Công ty DonaCorp thuộc Hội Doanh nghiệp Trẻ tỉnh Đồng Nai, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 21/6/2006. 3 cổ đông sáng lập chiếm 54% của 50 tỷ đồng vốn điều lệ đều là những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có uy tín ở tỉnh và Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam.

Hội đồng Quản trị mong muốn điều hành và quản lý công ty theo đúng nghĩa "công ty cổ phần đại chúng" để tăng trưởng, mở rộng hoạt động, chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán TPHCM sau 2 năm.

Ngoài đầu tư và dịch vụ về nhà xưởng sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản hàng hóa cung ứng cho các nhà sản xuất, Công ty chủ trương sẽ mua thanh lý các loại hình công ty, dùng khả năng tài chính và quản trị để phục hồi sản xuất và kinh doanh đơn vị được mua, khai thác các tiềm năng về đất đai, vị trí, thương hiệu... Sau đó, chuyển thành công ty cổ phần và đưa lên sàn chứng khoán.

Cheerfield Rama là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Indonesia, vốn đầu tư 2 triệu USD tại Khu công nghiệp Long Bình. Cheerfield hoạt động ngành nghề cơ khí và sản xuất đế giày. Đây là lĩnh vực mà các thành viên Hội Doanh nghiệp Trẻ Đồng Nai có nhiều thế mạnh.

Do đó, khi biết công ty này đang mang nợ 34 tỷ đồng không có khả năng thanh toán thì DonaCorp quyết định mua lại với giá đàm phán thỏa thuận là 1 USD. Bên mua phải "ôm nợ" và giải quyết những hậu quả mà doanh nghiệp để lại trong pháp nhân Cheerfield Rama.

Vì sao DonaCorp không đợi đến khi Cheerfield Rama tuyên bố phá sản để có thể mua rẻ hơn theo hình thức đấu giá? Những khoản nợ phải ôm đã được giải quyết ra sao, thưa ông?

Ở các nước phát triển, việc thành lập và tuyên bố phá sản 1 doanh nghiệp là điều rất bình thường theo luật pháp. Nhưng Cheerfield Rama là doanh nghiệp thành lập và hoạt động ở Việt Nam nên chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, ngoài pháp luật còn có dư luận, định kiến...

Ngoài ra, thời gian chờ đợi để được tòa án ra quyết định công bố phá sản có thể kéo dài khá lâu, khi đó nhà xưởng, thiết bị đã chịu nhiều hư hỏng xuống cấp. Luật Doanh nghiệp 2005 của nước ta đã quy định khá thông thoáng, việc mua lại pháp nhân của 1 công ty yếu kém hay đang "giẫy chết" là do hai bên mua và bán tự thỏa thuận.

Chúng tôi cho rằng những sản phẩm của Cheerfield là đạt chất lượng nhưng khó có thể tiêu thụ và xuất khẩu mạnh còn do điều kiện quan hệ thị trường. Vấn đề này các doanh nghiệp thành viên của Hội Doanh nghiệp Trẻ và DonaCorp có thể gỡ khó.

Là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Đồng Nai nên tôi hiểu rõ vấn đề này. Tôi cũng là Tổng giám đốc Công ty TNHH Ôtô Trường Hải với vốn đầu tư 450 tỷ đồng đang hoàn tất tiến trình cổ phần hóa. Công ty Trường Hải có nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô ở Khu kinh tế mở Chu Lai nên có thể góp phần khôi phục và phát triển sản xuất trở lại các "nhà xưởng 1 USD"!

Trong khoản nợ chính mà Cheerfield để lại, đa số chủ nợ là các ngân hàng thương mại. Chúng tôi đã thương thảo, đạt kết quả thanh toán nợ khá khả quan. Tồn tại còn lại là, trước đây Cheerfield Rama đã đặt cọc 13.000 USD thuê một khu đất trong Khu công nghiệp Long Bình do Công ty Lotechco làm chủ đầu tư hạ tầng. Do việc giao tiền không đúng hạn nên coi như Cheerfield mất đứt khoản này, dẫn tới nợ tiền mặt bằng nhà xưởng đang hoạt động thêm chồng chất.

DonaCorp tin rằng sẽ cùng Lotechco giải quyết khoản nợ này một cách hợp tình hợp lý. Để sau đó, mặt bằng nhà xưởng sớm được giao cho các doanh nghiệp thành viên phục hồi sản xuất.

Nhìn chung, các diễn biến sau khi mua doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với giá 1 USD là khá lạc quan.

Theo Hưng Văn
VnEconomy