Tầm nhìn phát triển bền vững của các tác phẩm thắng giải Sáng kiến ESG
(Dân trí) - Hiến kế giúp du lịch thân thiện môi trường; biến phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hữu cơ; vật liệu xanh hấp thu CO2... là các giải pháp xuất sắc, được vinh danh ở Lễ trao giải "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững" do Dân trí tổ chức.
Lễ trao giải cuộc thi viết "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững" do báo Dân trí tổ chức vừa diễn ra ở Hà Nội. Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 5 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất đến các tác giả.
Cuộc thi diễn ra vào tháng 8 đến tháng 10/2024, thu hút sự quan tâm của độc giả cả nước, gần 100 tác phẩm trình bày công phu, có tính khả thi để ứng dụng vào thực tế, nhằm giải quyết vấn đề về môi trường, xã hội, quản trị.
Nữ sinh Đà Nẵng trăn trở về sự phát triển bền vững của du lịch địa phương
Giải nhất cuộc thi Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững thuộc về tác phẩm "GLUE Project: Sustainable Tourism and Environmental Leadership in Da Nang" (Dự án GLUE: Du lịch bền vững và lãnh đạo môi trường tại Đà Nẵng) của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà (học sinh lớp 11D1 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng).
Nội dung chính của dự án đề cao ứng dụng công nghệ hiện đại như GIS và AI để theo dõi lượng khí thải CO2 dựa trên mức độ sử dụng phương tiện và hoạt động giải trí của khách du lịch, người dân địa phương.
Dự án thúc đẩy thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường và các hoạt động quản lý chất thải; khuyến nghị du khách tham gia hoạt động ít phát thải carbon như đạp xe, đi bộ hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Dự án GLUE còn đề cao vai trò của lãnh đạo nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Sinh ra và lớn lên tại TP Đà Nẵng, Ngọc Hà chứng kiến sự phát triển của ngành du lịch tại thành phố biển. Đi liền với giá trị tích cực do hoạt động du lịch mang lại, thành phố đối mặt với nhiều thách thức như lượng rác thải, khí thải ngày.
Ngọc Hà cho biết: "Để bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển du lịch bền vững tại Đà Nẵng cần xây dựng dự án bám sát các tiêu chí của ESG. Hiện tại đội ngũ GLUE Project hướng đến việc xây dựng Đà Nẵng thành hình mẫu du lịch xanh. Trong tương lai, nếu dự án thành công nhất định sẽ nhân rộng mô hình đến các thành phố biển khác như Hội An, Nha Trang... Tuy nhiên, mỗi thành phố có đặc thù riêng nên sẽ điều chỉnh để phù hợp với điều kiện từng địa phương".
Biến phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hữu cơ
Giải nhì của cuộc thi Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững trao cho tác giả Hoàng Diệu My với sáng kiến "Biến phế phẩm thành tài nguyên: Hành trình Prosus hướng tới tương lai bền vững".
Trọng tâm của dự án là sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để tái chế phế phẩm nông nghiệp.
Ban giám khảo đánh giá, đây là cách tiếp cận sáng tạo giúp xử lý nhanh chóng lượng lớn chất thải hữu cơ trong 12-15 ngày, thay vì mất 6-12 tháng như các phương pháp truyền thống. Từ đó tạo hệ sinh thái tuần hoàn bền vững, chuyển hóa phế phẩm thành đạm thay thế và phân bón hữu cơ.
Dự án trên đã đi vào quá trình thử nghiệm thực tế và đem đến hiệu quả nhất định. Tác giả Hoàng Diệu My cho biết, dự án xử lý 40 tấn phế phẩm và tạo ra 16 tấn phân bón hữu cơ, chứng minh hiệu quả thực tiễn trong giai đoạn thử nghiệm.
"Hiện chúng tôi hướng đến kế hoạch mở rộng quy mô xử lý lên 3 tấn/ngày vào năm 2025, triển vọng giảm thêm 63-81 tấn CO2/tháng và sản xuất 50 tấn phân bón hữu cơ/tháng", tác giả Hoàng Diệu My chia sẻ.
Vật liệu xanh hấp thụ khí CO2, sản xuất bằng phế phẩm công nghiệp
Một trong những tác phẩm đạt giải ba là "Nghiên cứu chế tạo vật liệu xanh hấp thụ khí thải CO2: Hướng đến mục tiêu Netzero năm 2050" của nhóm tác giả Tăng Văn Lâm, Vũ Đình Trọng.
Đại diện ban giám khảo nhận xét: "Vật liệu xanh hấp thụ khí CO2 không chỉ là sản phẩm xây dựng mà còn mang tính cách mạng trong việc giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính. Trong quá trình sản xuất, vật liệu có khả năng hấp thụ CO2 thay vì phát thải, khác biệt với các giải pháp hiện có".
Theo đó, vật liệu xanh sử dụng 100% phế thải công nghiệp làm nguyên liệu chính, giảm thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, từ đó tạo nên tác động tích cực đến môi trường. Mỗi viên gạch xây không nung có thể hấp thụ 20-30g khí CO2, giảm thiểu khí nhà kính nếu sản xuất quy mô lớn.
Sản phẩm vật liệu xanh giúp xử lý một lượng lớn tro bay nhiệt điện, xỉ lò cao, bùn thải, phế liệu nhựa, thủy tinh. Điều này giúp giảm áp lực lên các bãi rác và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tác giả Tăng Văn Lâm chia sẻ: "Để đưa vào sản xuất vật liệu xanh hàng loạt với giá thành hợp lý, cần có chính sách đồng bộ. Hiện nay tro xỉ và phế phẩm công nghiệp không đắt, nhưng chưa có hành lang pháp lý cho phép sử dụng tro xỉ hay các chất phế phẩm công nghiệp, nên để sản xuất đại trà vật liệu xanh còn gặp nhiều khó khăn".
Cũng theo tác giả Đặng Văn Lâm, việc đưa vật liệu xanh vào tiêu thụ trên thị trường cần có cơ chế, sự khuyến khích của nhà nước, các bộ, ban, ngành, để sản phẩm dần được sử dụng trong các công trình thực tế, từ đó góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho xã hội.
Cuộc thi viết "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững" do báo Dân trí tổ chức có sự đồng hành của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Cuộc thi viết "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững" nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức. Ngoài cuộc thi này, còn có các buổi hội thảo, tọa đàm... nhằm cung cấp thông tin, cách thực hành ESG cho các thành phần kinh tế. Đặc san ESG tập hợp những tham luận, bài viết của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp về kiến thức, kinh nghiệm, cập nhật xu hướng và thực tiễn tốt nhất liên quan đến ESG.