Tâm lý sợ chết, kiếm tiền dễ quá cũng lo
Chứng khoán đang nóng bỏng ở mức 600 điểm, hàng chục nghìn tỷ được dồn vào thị trường này trong mỗi vòng quay. Nhưng đã không còn nhiều những con thiêu thân đốt tiền như trước.
Không còn mấy ai say máu, mà thay vào đó là sự ngập ngừng, chắc ăn và tỉnh táo. Chưa ai thoát khỏi ám ảnh phá sản nên ai cũng có tâm lý sợ chết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Không ham ăn nhiều
Khá tiếc nuối với đợt tăng ấn tượng 7-8 phiên gần đây, ông Vĩnh, nhà đầu tư (NĐT) ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, đợt này ông "không ăn được nhiều". Tuy nhiên, tài khoản vẫn đang nở ra, ông vẫn đều đặn kiếm tiền nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ không thể ngờ của thị trường chứng khoán (TTCK).
"Trong đợt sóng ngoài Tết, mình cũng đã kiếm được khoản tiền bằng vài lần tiền gửi ngân hàng trong cả năm. Chứng khoán chưa thể giảm do dòng tiền còn mạnh lắm, tiền không biết đi đâu chỉ còn vào đây. Tuy nhiên, vì ăn chắc, gần đây chỉ dành một phần tiền vào một số loại cổ phiếu trong đó có chứng khoán và bất động sản để đón những kết quả ấn tượng bất ngờ và các kịch bản đẹp trong mùa đại hội cổ đông sắp tới".
Theo NĐT này, có rất nhiều lý do để chứng khoán tăng điểm. Tính cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, cơ sở cho sự tăng điểm của TTCK là đáng chú ý và đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, sự tăng điểm chóng mặt với dòng tiền đổ vào dồn dập đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng thị trường sẽ tăng đến mức nào và liệu có lặp lại tình trạng bong bóng không?
Trong phiên giao dịch buổi sáng 14/3, thanh khoản trên sàn HOSE tiếp tục tăng mạnh lên 1.800 tỷ đồng. Rất nhiều cổ phiếu lớn như VNM, MSN, VCB, MBB... tăng giá đã giúp VN-Index vọt lên 599,9 điểm, sát sạt ngưỡng tâm lý 600 điểm - đỉnh cao nhất kể từ tháng 10/2009
Hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK) đều cho rằng thị trường vẫn tích cực. VN-Direct cho rằng, thị trường phát ra tín hiệu tích cực trong trung hạn và khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu, tối thiểu 30-50%. Bản Việt cho rằng dòng tiền có thể sẽ hướng về nhóm cổ phiếu nhỏ đang trong trạng thái tích lũy. Theo Bảo Việt BVSC, 2 chỉ số chứng khoán tiếp tục đi lên trong ngắn hạn và sớm thử thách vùng đỉnh cũ.
Trong phiên liền trước, sức cầu cổ phiếu ở mức cao nhất từ trước tới nay khi mà VN-Index đứng ở mức cao nhất trong hơn 4 năm qua. Sức cầu khủng khiếp đã khiến nhiều người tin vào khả năng tiếp tục đi lên của TTCK.
Tuy nhiên, chứng khoán tiến nhanh tới ngưỡng 600 điểm cũng đã khiến nhiều người lo ngại, nhất là ở chỗ tháng 3 là thời điểm mà TTCK thường ghi nhận những kỷ lục, như đỉnh cao mọi thời đại 1170,67 điểm ghi nhận cách đây 7 năm, vào ngày 12/3/2007.
Sẵn sàng ném hòn than
Diễn biến tăng điểm không ngừng nghỉ của TTCK suốt từ đầu năm cho tới nay, từ 500 điểm lên 600 điểm hiện tại, cho thấy dòng tiền đang rất mạnh và tâm lý của giới đầu tư ổn định.
Một số chuyên gia còn cho rằng, VN-Index sẽ lên mức 650 - 700 điểm vào cuối năm 2014. Sự bất ổn tài chính ở các nước mới nổi tương phản với sự ổn định về tỷ giá và lãi suất ở mức thấp ở Việt Nam sẽ khiến chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít NĐT có kinh nghiệm tỏ ra khá thận trọng trước mỗi bước tăng mạnh của các chỉ số và trước sức nóng của các dòng tiền đang đổ về TTCK.
Ông Vinh là một trong những người như vậy. Sau khi lướt nhanh được vài mã kiếm vài chục phần trăm lợi nhuận, NĐT này chỉ còn dùng chưa tới 50% số vốn ban đầu để tiếp tục đánh cược vào một số mã cổ phiếu được cho là sẽ có kết quả tốt trong thời gian tới như chứng khoán và BĐS.
"Khá tiếc với đợt tăng lần này nhưng nhìn dài hơi hơn một chút, TTCK đang đứng trước một lượng cung khổng lồ hàng hóa cho thị trường. Đó là hàng loạt các đợt IPO, cổ phần hóa, thoái vốn, phát hành thêm của các DN. Các đại gia lại đang tranh thủ thị trường nóng, không cẩn trọng có thể mình sẽ là người cầm than nóng", ông Vinh chia sẻ.
Trên thực tế, từ đầu năm tới nay, hàng loạt các DN đồng loạt công bố sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014 với rất nhiều cái tên đáng chú ý như Viglacera, Vietnam Airlines, Vinatex, Vinamotor. Và theo quy định mới, các DN lớn này cũng sẽ nhanh chóng niêm yếu cổ phiếu trên sàn.
Bên cạnh đó, một lượng vốn lớn cũng được Nhà nước thoái vốn trên cơ sở đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hàng tỷ cổ phiếu của các DN trên sàn cũng đã được lên kế hoạch bán ra.
Về dài hạn, những bước đi nói trên sẽ giúp TTCK phát triển về quy mô, đón nhận nhiều hàng hóa tốt. Tuy nhiên, xét về trung hạn, lượng cung quá lớn có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Bên cạnh đó, áp lực rút vốn hoặc/và chốt lời của nhiều đại gia trong bối cảnh không phải DN nào cũng tiến triển theo hướng tích cực cũng là gánh nặng lên thị trường.
Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã quyết định sẽ thoái sẽ thoái toàn bộ vốn tại 13 công ty niêm yết; nhiều DN quyết định bán toàn bộ cổ phiếu quỹ, thành viên HĐQT nhiều DN bán ra hàng chục triệu cổ phiếu. Rất nhiều DN buộc phải hủy niêm yết hoặc sắp phải hủy cổ phiếu do thua lỗ cũng có thể sẽ khiến các NĐT chùn tay khi lao vào các cổ phiếu của các DN vẫn chưa thoát ra ra khỏi khó khăn.
Vì thế, TTCK không dễ vượt qua mốc tâm lý 600 điểm, nhất là trong bối cảnh khối ngoại vẫn có nhiều phiên bán ròng mạnh và nhiều mã cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua.
VEF