Tại sao đại gia Việt bỏ triệu đô để tậu máy bay riêng?
Nếu thời gian còn quý hơn cả tiền bạc thì việc sở hữu một chiếc máy bay riêng ở nước ta, một đất nước cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển, sẽ mang lại cho người ta nhiều hơn cả tiền bạc.
Theo chân đoàn khảo sát dự án khai thác và chế biến quặng sắt tại Hà Giang vào một ngày gần đây, tôi được ngồi trên chiếc trực thăng 12 chỗ mà ông Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long vừa mới tậu.
Lúc 9h sáng, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, chiếc trực thăng lăn bánh ra khoảng đất rộng nhất của đường băng, từ từ bay lên thẳng. “Có mùi khét! Có mùi khét bác tài ơi!”, vài người lo lắng đồng thanh kêu lên khi máy bay vừa ổn định độ cao. “Tôi đưa ít không khí ra để mọi người thấy dễ chịu, chứ không có gì đâu”, phi công trả lời.
Đến 10h45, nhẹ nhàng như con chuồn chuồn ngô đậu trên chiếc lá, chiếc trực thăng đáp xuống bãi đỗ trong khuôn viên Nhà máy Chế biến quặng sắt Vị Xuyên, Hà Giang chỉ sau chưa đầy 2 giờ bay. Phó giám đốc Nhà máy Trần Đình Dũng cho biết: “Cứ hai tuần, lại có một chuyến bay đưa chúng tôi về Hà Nội.
Nếu đi đường bộ, chúng tôi phải ngồi ô tô ròng rã từ 8h sáng đến 4h chiều mới tới Hà Nội dù đường sá bây giờ đã đẹp hơn rất nhiều”. Còn chị Vũ Ngọc Thủy, Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Hòa Phát hồ hởi kể: “Từ ngày có máy bay, việc đi lại đỡ vất vả hẳn”. Không chỉ đi Hà Giang, máy bay riêng còn chở đoàn cán bộ Hòa Phát đi công tác Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, hay Đà Nẵng...
Được biết, chiếc phi cơ cũ trị giá 5 triệu USD của ông chủ Hòa Phát được “đẩy” đi, để tậu chiếc này hiện đại và rộng rãi hơn.
Công ty Dịch vụ bay miền Bắc, đơn vị cũng sở hữu một chiếc trực thăng giống như của Hòa Phát, vừa cung cấp dịch vụ bay cho tỷ phú trẻ người Mỹ, ông chủ của mạng xã hội Facebook lên Lào Cai cuối năm qua đã từng đề nghị Hòa Phát kết hợp cho thuê trực thăng. Nhưng Hòa Phát từ chối vì sợ không chủ động được việc sử dụng máy bay, lỡ việc.
Hỏi chuyện Tổng giám đốc Hòa Phát Trần Tuấn Dương về hiệu quả sử dụng của trực thăng với Tập đoàn, ông Dương chia sẻ: “Chi phí bỏ ra mua máy bay rất lớn, nhưng với một tập đoàn có quy mô sản xuất - kinh doanh lớn như Hòa Phát, thì một quyết định sai trong kinh doanh có thể gây thiệt hại giá trị lớn hơn cả chiếc máy bay.
Xét chi phí cơ hội, thì hiệu quả từ việc sắm máy bay riêng của Tập đoàn là rất lớn, không đo đếm được bằng tiền. Khi có trực thăng mới với 12 chỗ ngồi, lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn có thể bay đến các tỉnh, nhà máy ở xa làm việc rồi về Hà Nội họp ngay trong ngày”.
Trước đó, tôi cũng đã cảm nhận được sự lợi hại của chuyên cơ riêng khi đi khảo sát dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam.
Nếu như lúc 7h30, nhóm nhà đầu tư mới xuất phát từ khách sạn Hoàng Anh Gia Lai ra sân bay Gia Lai thì chỉ chưa đầy hai tiếng sau đã ngồi uống cà phê bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng, chuẩn bị đi thăm quan các khu đất của Tập đoàn ở đây.
Nếu không có chuyên cơ riêng của bầu Đức, hơn 20 nhà đầu tư sẽ phải mất một ngày ở Gia Lai đợi chuyến bay của Hàng không Việt Nam.
Tiếng là chuyên cơ riêng của đại gia, nhưng thực tế, những chuyên cơ này được sử dụng như phương tiện hữu ích phục vụ hoạt động của tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai hay Hòa Phát.
Bầu Đức mua máy bay cánh thẳng vì có nhu cầu đi lại giữa các nước trong khu vực. Còn bầu Long mua trực thăng để tiện bay đến các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là đến các điểm mỏ xa xôi, nơi cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Được biết, vào thời điểm Bầu Đức mua máy báy riêng, có hai đại gia khác cũng đi bay thử nhưng cuối cùng chỉ có Bầu Đức mua. Một chiếc máy bay riêng tuy giá trị lớn, nhưng rất thực dụng và không hề xa xỉ như những chiếc ô tô ngoại đắt tiền nếu mua về chỉ để thỏa mãn đam mê.
Khi máy bay riêng trở thành phương tiện kinh doanh cần thiết, mang lại hiệu quả thì nó thực sự là biểu tượng đáng tự hào cho thành công chung của mỗi tập đoàn kinh tế tư nhân!