Tài sản của phu nhân kín tiếng giàu nhất nhì Việt Nam tăng chóng mặt
(Dân trí) - Nắm trong tay khối tài sản gần 17.000 tỷ đồng, là vợ của một đại gia giàu nhất nhì cả nước và là cổ đông lớn trong tập đoàn do chồng làm Chủ tịch HĐQT song vị phu nhân này chưa từng lộ diện.
Sau khi điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ngày đầu tuần tiếp tục "bốc đầu", tăng thêm 1.300 đồng tương ứng 2,61% lên 51.100 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, giá cổ phiếu HPG đã tăng 8,26% trong vòng một tuần giao dịch và tăng 18,7% (8.050 đồng/cổ phiếu) trong một tháng qua.
Thanh khoản tại HPG vẫn rất cao với khối lượng giao dịch đạt hơn 39 triệu đơn vị tương ứng với tổng giá trị giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng, gấp đôi so với khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng là 19,5 triệu cổ phiếu/phiên.
Với diễn biến giá cổ phiếu HPG tăng mạnh, giá trị tài sản của vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là ông Trần Đình Long và bà Vũ Thị Hiền cũng tăng nhanh.
Bà Vũ Thị Hiền với sở hữu 328,1 triệu cổ phiếu, trong vòng một tháng, đã tăng thêm 2.641 tỷ đồng, nâng khối tài sản lên 16.767 tỷ đồng. Là phu nhân của một tỷ phú USD giàu nhất nhì Việt Nam và là cổ đông lớn của Hòa Phát nhưng bà Vũ Thị Hiền chưa từng xuất hiện trước công chúng.
Hiện tại, bà Hiền xếp vị trí thứ 9 trong top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua nhiều doanh nhân đình đám như ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - nhà sáng lập Thaiholdings, ông Hồ Xuân Năng, bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Vingroup, vợ ông Phạm Nhật Vượng… Bà Hiền cũng là một trong 2 phụ nữ hiếm hoi nằm trong top 10, sau bà Nguyễn Thị Phương Thảo - nữ tỷ phú USD tự thân duy nhất của Đông Nam Á.
Trong khi đó, khối tài sản của ông Trần Đình Long đang ở mức 59.603 tỷ đồng, giàu thứ hai thị trường, chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng. Ông Long đang nắm giữ gần 1,17 tỷ cổ phiếu HPG.
Trên thị trường chứng khoán phiên đầu tuần (7/3), cổ phiếu HPG là một trong những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến diễn biến VN-Index, đóng góp cho chỉ số 1,47 điểm.
Ngoài HPG thì cổ phiếu ngành thép cũng đã có phiên giao dịch rất tích cực, hầu hết tăng mạnh: POM tăng 2,9%; TIS tăng 3%; TLH tăng 3,1%; NKG tăng 3,4%; TVN tăng 3,5%; HSG tăng 4%; CBI tăng 7,4%.
Không chỉ có cổ phiếu ngành thép mà dòng dầu khí, phân bón cũng có một phiên giao dịch thăng hoa, nhiều mã đua tăng trần, không hề còn dư bán.
Ở dòng dầu khí, PVB, PVC, PVD, PXI tăng kịch biên độ, POW tăng 8%; PVS tăng 6,9%; PVT tăng 6,2%; BSR tăng 5,7%; GAS tăng 5,6%; PXS tăng 4,7%.
Dòng phân bón hầu hết khoác sắc tím trên bảng điện tử với diễn biến tăng trần và lệnh dư mua giá trần chồng chất tại PMB, PSE, PSW, LAS, BFC, DPM, DCM, VAF. Các mã còn lại cũng tăng mạnh: DDV tăng 11,6%; PCE tăng 9,1%.
Đây đều là những nhóm ngành được đánh giá là hưởng lợi từ diễn biến địa chính trị thế giới hiện tại và bối cảnh lạm phát đang ngày càng trở nên căng thẳng.
Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn giảm 6,28 điểm tương ứng 0,42% còn 1.499,05 điểm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30. Chỉ số VN30-Index giảm 16,22 điểm tương ứng 1,06% còn 1.509,12 điểm với 22 mã giảm giá.
Phần lớn cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh và điều chỉnh giảm: TPB thiệt hại nặng nhất với mức giảm 4,3%; KLB giảm 3,2%; ACB giảm 3,1%; BID giảm 2,4%; MBB giảm 2,1%; HDB giảm 2,1%; VIB giảm 2%; CTG giảm 1,8%...
Trong khi nhà đầu tư rút tiền khỏi cổ phiếu VN30 thì HNX-Index vẫn tăng 2,28 điểm tương ứng 0,51% lên 452,86 điểm. VNSML-Index đại diện cho dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) cũng tăng 13,83 điểm tương ứng 0,64%.
Cả 3 sàn trong phiên hôm nay cũng chỉ có 11 mã giảm sàn (4 mã trên HoSE, 1 mã trên HNX và 6 mã trên UPCoM) cho thấy áp lực chốt lời là có nhưng không có bán tháo.
Thậm chí, ở phiên này thanh khoản còn có phần nhỉnh hơn so với phiên cuối tuần trước, đạt 31.437,17 tỷ đồng trên HoSE với 981,72 triệu cổ phiếu giao dịch. HNX có 136,63 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.656,91 tỷ đồng và UPCoM có 111,98 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.545,97 tỷ đồng.