Tái định vị thương hiệu và phong cách "đổi như không đổi"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bên cạnh những thương hiệu có sự đột phá khi thay đổi logo, không ít doanh nghiệp lại chọn thay đổi một chi tiết khá nhỏ, đến mức, khách hàng phải tinh ý lắm mới phát hiện ra.

Cú "bo góc" 7 tỷ đồng

Câu chuyện cú "bo góc" có giá 7 tỷ đồng của Xiaomi một thời gian dài đã gây ra những bàn tán trên mạng xã hội. Cụ thể, có người nhận xét, logo mới của thương hiệu này "trông chẳng khác gì cái cũ", "thiết kế dễ thế này mà tốn tận 7 tỷ ư"...

Tuy nhiên, giới chuyên môn, cộng đồng người làm ngành thiết kế và sáng tạo thì cho rằng đó là một logo đáng giá. Bởi vì đây không chỉ đơn giản là thay đổi vẻ ngoài một logo, mà còn là cả một quá trình nghiên cứu để nâng cấp tinh thần nội tại của chính Xiaomi.

Đảm nhiệm bởi nhà thiết kế người Nhật nổi tiếng Kenya Hara, logo và nhận diện mới của Xiaomi trải qua quá trình nghiên cứu và thiết kế hết sức tỉ mỉ. Để việc tái định vị thương hiệu Xiaomi dung hòa với tư duy triết học phương Đông, Kenya Hara và Xiaomi đã cùng nhau đề xuất một ý tưởng thiết kế mới - "Alive", bắt đầu từ "mối quan hệ giữa công nghệ và cuộc sống".

Nhà thiết kế đình đám người Nhật cho biết: "Chúng tôi cũng đã phát triển một logo động để nhấn mạnh hơn nữa sự thay đổi liên tục trong cuộc sống, đồng thời vẫn duy trì trạng thái cân bằng và tính cách. Logo phải thích ứng được với môi trường luôn thay đổi, ngay cả khi in, logo cũng không cố định ở các góc mà linh hoạt và được định vị ở nơi thích hợp nhất. Logo này rất linh động và ngay cả khi nó dừng lại, nó cũng không bao giờ hoàn toàn tĩnh mà tồn tại ở trạng thái lửng lơ".

Năm 2015, Facebook cũng từng trải qua một lần thay đổi logo mà nhiều người không muốn thừa nhận đây là sự thay đổi.

Khi được hỏi ý kiến theo góc nhìn của một người trong ngành, Jowey Roden, đồng sáng lập Koto Studio, chia sẻ: "Những thay đổi này, mặc dù nhỏ, nhưng nhằm mục đích không ngừng cải tiến sản phẩm trong một thế giới đang chuyển động không ngừng. Facebook không thay đổi bản chất của nó và những cải tiến về logo phản ánh điều đó. Họ vẫn trẻ trung, hiện đại nhưng nghiêm túc, trưởng thành hơn".

Hơn thế nữa, những thay đổi nhỏ không đi một mình. Facebook đã chứng minh điều đó thông qua loạt 8 tính năng mới giới thiệu trong cùng năm.

VPBank và sự thay đổi tinh tế, gửi đến khách hàng niềm tin vào sự thịnh vượng

Tại Việt Nam mới đây, VPBank cũng khiến khách hàng bất ngờ khi có những sự thay đổi tinh tế trong logo thương hiệu.

Thành lập từ năm 1993, lần đầu tiên VPBank tái định vị thương hiệu là vào năm 2010, với việc đổi tên từ Ngân hàng TMCP các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng. Đây cũng là lần đầu tiên ngân hàng ra mắt "bông hoa thịnh vượng" đặc trưng với màu đỏ nổi bật.

Trong vòng 10 năm sau đó, VPBank đã có bước tăng trưởng nhảy vọt từ một ngân hàng "siêu nhỏ" thành top 4 ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Những tưởng nhà băng này đang rất hài lòng với vị thế và thương hiệu của mình, thì đến tháng 4/2022, VPBank một lần nữa tuyên bố tái định vị thương hiệu.

Thương hiệu mới của ngân hàng có những thay đổi không khác gì phong cách của Xiaomi hay Facebook, tức là phải nhìn kỹ lắm mới phát hiện ra những tiểu tiết đã được nâng cấp. Phải chăng những "ông lớn" luôn có lối đi riêng?

"Bông hoa thịnh vượng" và cụm logo cũ của ngân hàng được tinh chỉnh theo tỷ lệ vàng cùng phông chữ mới hiện đại hơn. Các góc nhọn được "bào" tròn kết hợp hài hòa với những đường nét vuông vức. Màu xanh đậm cũ được thay mới bằng một màu xanh lá tươi tắn, đồng thời xuất hiện thêm sắc độ chuyển màu từ xanh lá sang xanh dương.

Tái định vị thương hiệu và phong cách đổi như không đổi - 1
Logo VPBank cũ.
Tái định vị thương hiệu và phong cách đổi như không đổi - 2
Logo VPBank mới.

Theo đại diện VPBank, thì "Sự thay đổi tinh tế của nhận diện thương hiệu biểu trưng cho những bước phát triển mang tính tiếp nối, kế thừa và nâng tầm những gì chúng tôi đã kiến tạo. Việc thay đổi nhận diện cũng cho thấy sự năng động, không ngừng chuyển mình của thương hiệu VPBank", đại diện VPBank cho biết.

Rõ ràng, cả một câu chuyện, một hệ tư tưởng đã được gửi gắm trong những thay đổi dù là rất nhỏ. Nhận diện thương hiệu "đổi như không đổi" như một lời tuyên ngôn dõng dạc, rõ ràng rằng "chúng tôi sẽ có những chiến lược phát triển mới đột phá nhưng vẫn giữ vững những giá trị, nền tảng cốt lõi của ngân hàng".

Cùng với hình ảnh nhận diện mới, tuyên ngôn thương hiệu của VPBank cũng được thay đổi từ "Hành động vì những ước mơ" thành "Vì một Việt Nam thịnh vượng". Tuyên ngôn mới nhất quán với tên gọi của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng mà theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc của VPBank khẳng định thì: "Đó là lời hứa của VPBank đồng hành và mang tới sự thịnh vượng mỗi khách hàng cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi đối tác, cổ đông, mỗi cán bộ nhân viên và cả quốc gia".

Tái định vị thương hiệu và phong cách đổi như không đổi - 3
VPBank thay đổi mặt tiền chi nhánh theo định vị mới.

Có thể thấy, với tiềm lực mới, vị thế mới và thương hiệu mới, VPBank đã tự tin đặt ra cho mình sứ mệnh cao cả hơn, thiêng liêng hơn - phụng sự quốc gia. Ngân hàng thậm chí đã đưa ra những chiến lược hành động cụ thể để có thể thực hiện lời cam kết này với 4 cấu phần: Thịnh vượng về Tài chính, Thể chất, Tinh thần và Cộng đồng.

Tái định vị thương hiệu và phong cách đổi như không đổi - 4

Động thái đầu tiên chính là Light Up Viet Nam - đại nhạc hội hoành tráng quy tụ những ngôi sao hàng đầu Vpop sẽ được VPBank tổ chức vào ngày 23/4 tại TPHCM. Bên cạnh ý nghĩa cổ vũ cho tinh thần và ý chí của một Việt Nam kiên cường sau đại dịch, Light Up Viet Nam cũng được kỳ vọng sẽ lan tỏa giá trị "thịnh vượng tinh thần" mà VPBank theo đuổi đến với cộng đồng.