Tái diễn tình trạng mặc cả lãi suất

Lãi suất huy động đang được đẩy lên tới 17- 20%/năm, nợ xấu gia tăng, các ngân hàng trây lỳ trả nợ liên ngân hàng, rủi ro kỳ hạn… là những vấn đề nóng được đề cập tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng Hà Nội diễn ra cuối tuần qua.

Tái diễn tình trạng mặc cả lãi suất - 1
Khan hiếm tiền đồng là nguyên nhân khiến ngân hàng chưa thể giảm lãi suất huy động.
 
Vượt trần nhiều, tố cáo khó

 

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho thấy, từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02/CT- NHNN ngày 7/9/2011, hiện tượng chạy đua mặc cả lãi suất nhìn chung không còn.

 

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho rằng, tình trạng mặc cả lãi suất đang quay trở lại. Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Nội cho hay: “Trên thực tế, kỷ cương lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng chỉ giữ được từ ngày 7/9 đến hết tháng 9/2011. Còn từ tháng 10/2011 đến nay, đặc biệt là tháng 12/2011, thị trường ngân hàng đang phải chịu đựng tình trạng mặc cả lãi suất, song không dễ phát hiện, không dễ tố cáo”.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP SeABank cũng bức xúc cho hay, tham gia hoạt của các ngân hàng thương mại cổ phần từ năm 1993 đến nay, chưa bao giờ bà thấy các ngân hàng lại khó khăn như hiện nay, buộc phải nói dối, phải thì thầm. Cũng theo bà Nga, hiện tượng mặc cả lãi suất đang xảy ra với mức lãi suất huy động lên tới 17- 20%/năm. Thậm chí, có nhiều ngân hàng đến tận nhà khách hàng để xin trả phần tiền chênh lệch. Dù vậy, bà Nga cũng quả quyết: “Chúng tôi không có văn hóa đi tố cáo chuyện lách trần của các ngân hàng khác với Ngân hàng Nhà nước”.

 

“SeABank kiên quyết không vượt trần. Không phải chúng tôi dư dật tiền, mà do trước khi có đợt ‘sóng thần’ này, chúng tôi đã mua được 12.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Nếu bị dân rút tiền sang gửi nơi khác, thì chúng tôi rút tiền lãi từ trái phiếu chính phủ hoặc bán lỗ 2-3%, chứ kiên quyết không vượt trần”.

 

Nhiều ngân hàng khác cũng cho hay, nếu Ngân hàng Nhà nước không khẩn trương siết lại kỷ cương, tình trạng mặc cả lãi suất sẽ còn diễn biến tiếp tục trong năm 2012. Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội cho hay, có những tháng, lượng tiền mà ngân hàng này bị khách hàng rút lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

 

Trong khi đó, đại diện một ngân hàng quốc doanh, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hà Nội cũng cho rằng, tình trạng lãi suất căng thẳng trên thị trường ở tất cả kỳ hạn là điều không bình thường.

 

Về phía Agribank, mặc dù đưa ra nhiều biện pháp nhưng huy động vốn vẫn không tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Huy động 2 tháng, cho vay 1 năm

 

Bên cạnh tình trạng mặc cả lãi suất, nhiều ngân hàng tỏ rõ lo ngại về tình trạng rủi ro kỳ hạn xuất hiện ngày càng rõ nét. Bà Phạm Thị Hằng cho hay, kỳ hạn tiền gửi trung bình của Agribank Chi nhánh Hà Nội chỉ khoảng 3 tháng, trong khi vẫn phải cho vay trung và dài hạn.

 

Chung nỗi niềm này, ông Phạm Xuân Hòe, Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nam Thăng Long nối tiếp: “Ba tháng đã là nhiều, bình quân kỳ hạn tiền gửi của chi nhánh ngân hàng chúng tôi chỉ khoảng 2 tháng, trong khi vẫn phải cho vay trung, dài hạn. Rủi ro thanh khoản là rất lớn và có thể trong 10 năm nữa, chúng ta vẫn phải đối phó với rủi ro này”.

 

Cũng theo ông Hòe, để xảy ra tình trạng này là do chính các ngân hàng thương mại vừa qua đã tự làm khó mình bằng việc đưa ra những sản phẩm kỳ hạn quá ngắn, như 1 tuần, thậm chí 1 ngày. Ông Hòe cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt lãi suất huy động và các hình thức khuyến mãi hiện nay và mong các ngân hàng thương mại cùng thống nhất chuẩn mực huy động, cho vay để hướng tới chuẩn quốc tế, nếu không sự lộn xộn trên thị trường sẽ không bao giờ chấm dứt.

 

Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác lại yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý tình trạng trây lỳ nợ trên thị trường liên ngân hàng, dẫn đến khó khăn thanh khoản lan truyền cả hệ thống.

 

Bà Nguyễn Thị Nga cho hay, hiện một số ngân hàng vay tiền của SeABank, nhưng có tiền cũng không trả. Vì vậy, Ngân hàng hiện không dám cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Tuần qua, SeABank phải chọn giải pháp an toàn là gửi tiền vào BIDV, một ngân hàng quốc doanh, với lãi suất 14%/năm.

 

Trước khó khăn của các ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có các giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

 

Theo Thùy Liên

Đầu tư