Tài chính tiêu dùng: Tìm hướng đi mới để phát triển trước cú sốc Covid-19
(Dân trí) - Trong bối cảnh lo ngại trước tác động của Covid-19, các doanh nghiệp đều xoay sở, nỗ lực, tự lên cho mình những chiến lược ứng phó phù hợp thay vì chỉ biết chờ đợi được “cứu".
Trong đó, việc tìm đối tác chiến lược, nâng cấp hệ thống quản trị… là những bước đi được đánh giá phù hợp.
Vì sao Moody's bất ngờ đang xem xét hạ tín nhiệm một số công ty tài chính của Việt Nam?
Nền kinh tế đang chịu những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19. Trong đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng được nhận định sẽ nhận những tín hiệu không mấy khả quan trước cú sốc đại dịch.
Hiện hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đang xem xét việc hạ bậc tín nhiệm của 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng Việt Nam. Hiện nay trên thị trường tài chính tiêu dùng, mới chỉ có 3 công ty tài chính là Home Credit, Fe Credit và SHB Finance có xếp hạng bởi Moody’s, trong khi các công ty khác hoạt động lâu năm vẫn chưa sẵn sàng. Việc góp mặt trong danh sách xếp hạng của Moody’s cho thấy định hướng hoạt động minh bạch, hiệu quả và chuẩn mực quốc tế của các công ty này.
Theo Moody’s, sự lan rộng nhanh chóng của dịch Covid-19 đã làm suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu, cùng với việc giá dầu giảm, các tài sản khác cũng giảm Ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước cú sốc này.
Chưa bàn tới “sức khoẻ” của các doanh nghiệp, chuyên gia tài chính Phan Long cho rằng, vay tiêu dùng khá nhạy cảm với kinh tế vĩ mô, khi GDP giảm, thu nhập và chi tiêu của dân cư giảm là sẽ tác động đến ngành này. Việc Moody đang xem xét hạ tín nhiệm một số công ty trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng là dễ hiểu trong bối cảnh đại dịch toàn cầu hiện nay.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích của VCSC, nợ xấu sẽ chịu tác động xấu dưới ảnh hưởng của đại dịch vì thu nhập phần lớn lực lượng lao động sẽ giảm. Tuy nhiên, áp lực nợ xấu lên nhóm công ty tài chính tiêu dùng này sẽ không lớn vì họ luôn có những kịch bản xấu nhất cho hệ thống về lượng nợ xấu bùng phát ở mức nào và sức chịu đựng của họ là bao nhiêu. Điều này phụ thuộc rất lớn vào hệ thống quản trị rủi ro của từng đơn vị.
Trao đổi với PV, lãnh đạo SHB Finance cho biết Công ty hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn. Năm 2019, tổng tài sản của SHBFC đạt gần 3.300 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,75 lần so với năm 2018. Trong đó dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2018. Lợi nhuận đạt gần 107 tỷ đồng.
“Tỷ lệ nợ xấu ở mức tốt so với mức trung bình trên thị trường. Năm 2019, SHB FC đã huy động được 1.800 tỷ đồng giấy tờ có giá từ 14 tổ chức đầu tư chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ và các tổ chức tín dụng. Năm 2019, SHBFC đã xây dựng và làm chủ hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Hệ thống CNTT được đầu tư bài bản, tỷ lệ tự động hóa cao trong ngành tài chính tiêu dùng, đạt 65% trong quy trình end-to-end. Hiện tại, tổng tài sản của SHBFC chỉ chiếm dưới 1% tổng tài sản hợp nhất của SHB”, một lãnh đạo SHB cho biết.
Lãnh đạo SHB Finance khẳng định đến thời điểm này không có những lo ngại về sức khoẻ nội tại doanh nghiệp cùng các vấn đề về nợ xấu…
Tìm hướng đi mới với đối tác nước ngoài
Trong bối cảnh lo ngại trước tác động của Covid-19, các doanh nghiệp đều xoay sở, nỗ lực, tự lên cho mình những chiến lược ứng phó phù hợp thay vì chỉ biết chờ đợi được “cứu". Trong đó, việc tìm đối tác chiến lược, nâng cấp hệ thống quản trị… là những bước đi được đánh giá phù hợp.
Mới đây (hôm 8/4), Hội đồng thành viên Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHBFC) đã ra Nghị quyết trình Hội đồng quản trị SHB đề xuất thông qua Đại hội đồng cổ đông về việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.
Động thái này được xem là bước đi chiến lược, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp SHBFC tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại và chuyên nghiệp của các tổ chức này để đưa vị thế SHBFC trong nhóm dẫn đầu thị phần trên thị trường; phát triển đúng định hướng chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại hàng đầu của SHB.
Đặc biệt, việc thoái vốn này cũng sẽ đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng tầm SHB lên một vị thế mới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thoái vốn SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường và với hoạt động của công ty hiện nay. Đồng thời, điều này cũng chứng minh được sự “hấp dẫn” không nhỏ nội tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. Đây cũng là lý do các tập đoàn tài chính nước ngoài thường xuyên để mắt tới và tích cực rót vốn vào các công ty tài chính tiêu dùng Việt trong thời gian qua.
Trước đó, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. SHB đánh giá, khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến của các tổ chức này sẽ hỗ trợ SHBFC bứt phá, cạnh tranh thị phần với những đối thủ khác. Ngoài lợi ích về kinh nghiệm của đối tác nước ngoài, SHB cũng dự kiến thu được lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Được biết, năm 2019, SHB đã đạt kết quả tăng trưởng tích cực với lợi nhuận đạt 3.077 tỷ đồng, ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,8%. Việc SHB đã mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn và từ đó SHB đã hội đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong quý 1/2020, SHB đã thực hiện hoàn thành việc chia cổ tức tỷ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018 theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông. Cổ tức SHB năm 2019 chưa chia được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ 11% sẽ được chia muộn nhất vào Quý 3/2020 theo đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài việc lựa chọn đối tác nước ngoài, Hội đồng quản trị SHB cũng đã làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu nước ngoài thống nhất thành lập và triển khai các ban dự án chiến lược phát triển, hiện đại hóa ngân hàng và tái cấu trúc nhằm định vị chiến lược phát triển khác biệt, bền vững trong trung và dài hạn hướng tới Ngân hàng số.