Tác động khủng khiếp của dịch Covid-19: DN đối mặt việc ngừng sản xuất

(Dân trí) - Tại cuộc họp chiều nay (26/2), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ kép khi nguồn cung cho sản xuất khan hiếm, đồng thời cầu cũng suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung

Nhiều doanh nghiệp đối diện nguy cơ ngừng sản xuất

Tại cuộc họp chiều nay (26/2), ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Tác động khủng khiếp của dịch Covid-19: DN đối mặt việc ngừng sản xuất - 1
Cuộc họp tại Bộ Công Thương về những tác động của dịch Covid 19 tới sản xuất Việt Nam diễn ra chiều 26/2.

Cụ thể, báo cáo Bộ trưởng Công Thương, ông Hoài cho biết hiện Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hoá trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia.

“Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 tại Trung Quốc sẽ tác động lớn các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối và dịch vụ các nước trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam”, ông Hoài cho biết.

Bên cạnh đó theo ông Hoài, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn.

Ông Hoài dẫn chứng việc Hàn Quốc và Nhật Bản đã bùng phát dịch bệnh, một số nước châu Âu và Mỹ đã phát hiện một số trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới trong thời gian gần đây.

Phân tích rõ hơn, người đứng đầu Cục Công nghiệp cho biết, hiện vướng mắc lớn nhất đối với ngành sản xuất Việt Nam là nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào.

Trong đó, đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, ông Hoải cho biết hiện phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện - điện tử.

“Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020”, ông Hoài đưa ra thông tin đáng lo ngại.

Còn đối với ngành dệt may, da giày - một trong lĩnh vực đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho Việt Nam cũng chỉ chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020.

“Do đó khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn”, báo cáo của Cục Công nghiệp nêu rõ.

Đối với ngành sản xuất xuất lắp ráp ô tô, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết: Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD, Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (chiếm 28,5%) và Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%).

Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc. Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên những quốc gia này hoặc đang bùng phát (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) hoặc phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam (Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á).

“Dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất”, Cục trưởng Cục Công nghiệp thông tin.

Nguy cơ tác động kép: Hụt nguồn cung, suy giảm cầu

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Công nghiệp đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong nguồn cung nguyên vật liệu và linh phụ kiện đầu vào sản xuất.

Cụ thể trước hết là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại biên giới của cả Việt Nam - Trung Quốc sẽ khiến việc thông quan các lô hàng nhập khẩu khó khăn hơn nhiều so với trước đây.

Thứ hai, các nhà máy sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam tại Trung Quốc hiện nay cũng đang tạm thời ngừng sản xuất hoặc hoạt động rất ít trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

Thứ ba, do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay chủ yếu được tổ chức theo chuỗi giá trị rất chặt chẽ, ngay cả trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu và linh phụ kiện đầu vào, vì vậy việc ngay lập tức tìm được nguồn thay thế các yếu tố này trong ngắn hạn là hết sức khó khăn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, chỉ riêng trong chuỗi cung ứng của châu Á, thì sản phẩm của Trung Quốc là chiếm tới 40%, Hoa Kỳ 10%.

“Không chỉ mình Việt Nam bị tác động, nhưng rõ ràng tác động tới Việt Nam là rất lớn. Dự báo tác động như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát dịch bệnh. Và việc kiểm soát này không chỉ có Việt Nam mà còn mang tính nhân loại", ông Trần Tuấn Anh nêu vấn đề.

Để đối phó với tình hình này, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan thuộc Bộ cần tiếp tục phân tích dự báo đồng thời xây dựng đối sách để ứng phó.

“Sản xuất nhiều ngành công nghiệp trọng điểm chỉ duy trì tới tháng 3. Rõ ràng chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu chứ chưa thể cải thiện ngay được. Và điểm đáng nói, đáng suy nghĩ là dịch bệnh tiếp tục phức tạp", ông Trần Tuấn Anh lo ngại.

Thêm vào đó, theo ông Tuấn Anh, kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ kép khi không chỉ nguồn cung mà cầu thế giới tại các thị trường lớn cũng sẽ ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

“Chúng ta không bi đát, không trầm trọng hoá vấn đề nhưng phải chủ động”, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh tại cuộc họp.

Nguyễn Mạnh