Sửa quy định tính tiền cước taxi
(Dân trí) - Ba hình thức tính tiền cước xe kinh doanh vận tải bằng taxi được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vừa báo cáo trước Quốc hội.
Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.
Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô con để thực hiện vận chuyển theo yêu cầu của hành khách. Việc tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo 1 trong 3 phương thức.
“Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền; Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử; Tiền cước được tính theo hợp đồng trọn gói trên cơ sở cự ly chuyến đi và thời gian vận chuyển” - Bộ trưởng GTVT cho hay.
Trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng quy định rõ thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải.
Về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ: Người lái xe chỉ được lái xe tối đa 10 giờ sau khoảng thời gian nghỉ liên tục không lái xe tối thiểu là 08 giờ trước đó, đồng thời không được lái xe liên tục quá 4 giờ; thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu là 15 phút.
Người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng quy định chương trình khung đào tạo nghiệp vụ vận tải. Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải.
Đối với quy định về kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có điểm mới như bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ.
Theo đó, đường giao thông nông thôn thuộc đường địa phương do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì.
Liên quan đến đường cao tốc, Bộ trưởng GTVT cho biết: Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định về cơ chế đầu tư xây dựng, kinh doanh đường cao tốc để phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam ngày một đồng bộ hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.
Người đứng đầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thông tin dự thảo Luật sửa đổi cũng bổ sung các quy định mang tính đặc thù khi xây dựng công trình giao thông đường bộ như việc phải bố trí hạng mục hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; xây dựng đường bên dọc đường cao tốc ở đô thị.
Luật sửa đổi cũng xây dựng các điểm dừng đỗ xe trên đường có vận tải hành khách công cộng; xây dựng điểm dừng đỗ xe đưa đón học sinh tại nơi có trường học; gắn việc đầu tư xây dựng với lập quy hoạch, gắn với nhu cầu đầu tư xây dựng với nhu cầu vận tải và công nghệ phát triển của phương tiện để đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại.