1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sửa Luật Thuế TNCN: Tư duy trên mây

Đưa ra mức giảm trừ cứng sẽ mau chóng biến những quy định của luật sửa đổi thành lỗi thời.

Bộ Tài chính vừa công bố một số nội dung chính của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

 

Theo đó, mức khởi điểm chịu thuế cho bản thân người nộp thuế sẽ được tăng lên 6 triệu đồng/tháng (78 triệu đồng/năm) so với mức hiện hành là 4 triệu đồng/tháng.

 

Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng thay vì 1,6 triệu đồng/tháng như hiện nay.

 

Đáng lưu ý, mức nới lỏng nhỏ giọt này dự kiến chỉ được áp dụng vào năm 2014 khi luật này có hiệu lực.
 
Sửa Luật Thuế TNCN: Tư duy trên mây
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thu nhập hiện tại so với đời sống vẫn còn khó khăn nên cần sửa đổi giảm trừ thuế TNCN ngay trong năm nay.

 

Mức khởi điểm phải theo lương tối thiểu

 

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia kinh tế đã có những góc nhìn khác nhau nhưng phần lớn đều cho rằng Bộ Tài chính không nên đưa ra con số định mức giảm trừ cụ thể.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quan điểm nên đánh thuế TNCN với tất cả người có thu nhập để bảo đảm công bằng chỉ đúng với đất nước có mức sống cao. Thực trạng thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ mới qua ngưỡng 1.000 USD người/năm, do đó chưa nên mở rộng diện đóng thuế.

 

“Trong bối cảnh giá cả tăng cao, lạm phát biến động khó lường trong hai năm qua, cùng với đó mức lương cơ bản được điều chỉnh qua các năm, thuế TNCN chắc chắn phải điều chỉnh. Thế nhưng biện pháp điều chỉnh ra sao cần phải cân nhắc, trong đó cần áp dụng cách tính mức khởi điểm chịu thuế theo lương tối thiểu, chẳng hạn phải gấp 10 lần mức lương tối thiểu” - bà Lan nêu quan điểm.

 

Tư duy làm luật cứng nhắc

 

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Hà Nội, cho rằng mức khởi điểm chịu thuế tính bằng 10 lần lương tối thiểu là hợp lý.

 

Theo đó, lương tăng đến đâu, thuế tự động nâng lên đến đó. Việc sửa đổi Luật Thuế TNCN bằng cách đưa ra mức giảm trừ con số cụ thể dễ lạc hậu, lại vừa cứng khiến gây khó cho mỗi lần điều chỉnh trước các biến động tiền lương trên thực tế.

 

Ông Phong phân tích: “Bộ Tài chính nên đưa ra một tỉ lệ % so sánh với mức lương hằng năm để tạo tính linh hoạt điều chỉnh, nếu cứ đưa ra mức 6 triệu đồng áp dụng cho năm 2014 thì sẽ lạc hậu ngay, trong hai năm tới thị trường vật giá sẽ biến động liên tục, chưa ai dám khẳng định điều gì, cứ để như thế, năm nào cũng phải điều chỉnh. Đây là kiểu tư duy làm luật cứng nhắc. Muốn thu thuế cao phải phát triển an sinh xã hội tốt. Trong điều kiện của VN, không chỉ sửa thuế theo hướng tính toán lại mức khởi điểm mà cần xem xét bậc thuế cho phù hợp”.

 

Làn sóng giá mới đang đến

 

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng thu nhập và chất lượng cuộc sống kèm theo thuế TNCN cần có sự hài hòa, hợp lý. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá.

 

“Luật Thuế TNCN đã có hiệu lực qua ba năm, đó là quãng thời gian để cho chúng ta có những bài học về xây dựng luật và liên hệ với thực tế. Thuế TNCN là sự tổng hòa giữa thu nhập, giá cả và mức lương, đó là căn cứ để điều chỉnh, sửa đổi luật. Một khi đã đưa ra con số cụ thể về mức chịu thuế, cần tính đến thời gian thực thi phù hợp, tránh tình trạng đến lúc luật áp dụng thực tế lại lạc hậu” - ông Kiên lưu ý.

 

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, những ngày qua cùng với tăng giá xăng, tín hiệu một làn sóng giá mới sẽ được lập. Ba tháng đầu năm mà nguy cơ lạm phát cao “ngóc đầu” trở lại, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa rằng mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đưa ra để sửa đổi cho năm 2014 là điều quá xa vời với thực tế.

 

“Giá trị đồng tiền của năm 2012 khác xa hai năm sau. Trong khi đó, thu nhập hiện tại so với đời sống vẫn còn khó khăn. Điều cần làm là sửa đổi giảm trừ thuế TNCN ngay trong năm nay” - TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

 

Nhiều lần Quốc hội phải ra tay

 

Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 nhưng đến 1/1/2009 mới có hiệu lực (để có thời gian chuẩn bị các điều kiện để thực thi luật này).

 

Ngay từ khi luật này có hiệu lực thì mức khởi điểm chịu thuế (4 triệu đồng/tháng) đã trở nên lạc hậu với thực tế. Lý do vì năm 2008, nước ta có mức lạm phát quá cao (hơn 20%) khiến người nộp thuế gặp vô vàn khó khăn.

 

Trước tình hình đó, để khoan sức dân, ngày 16/9/2009, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32, trong đó miễn thuế toàn bộ thuế TNCN phải nộp từ ngày 1/1/2009 đến ngày 30/6/2009 cho các đối tượng.

 

Năm 2010 và 2011, nước ta tiếp tục lạm phát phi mã. Vì vậy, đến ngày 6/8/2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân từ tháng 8 đến hết tháng 12-2011.

 

Theo đó, người nộp thuế không có người phụ thuộc có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng được miễn hoàn toàn số thuế phải nộp.

 

Theo Trà Phương
PLTPHCM