Sửa luật Đất đai để tạo bình đẳng cho nhà đầu tư

(Dân trí) - "Giá đất ở các địa phương do UBND các tỉnh ban hành bình quân bằng khoảng 30 - 60% so với giá chuyển nhượng thực tế trong điều kiện bình thường. Điều đó tạo ra sự thiếu công bằng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong các dự án".

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Thế Ngọc đã khẳng định như vậy và ông có cuộc trao đổi với bao giới xung quanh việc sửa luật Đất đai.

Quan điểm của Bộ TN-MT như thế nào về việc giá thuê đất của Nhà nước vẫn thấp hơn nhiều so với giá thuê đất trên thị trường?

Theo đánh giá chung có những bất cập như sau: thứ nhất giá bồi thường theo phương án giải phóng mặt bằng thì thấp trong khi giá chuyển nhượng cao, thậm chí cao gấp nhiều lần dẫn tới đẩy giá đất lên cao, gây “sốt” đất.

Thứ hai, nó tạo sự thiếu công bằng giữa chi phí đầu vào của từng dự án, giữa chi phí đầu vào bằng giá Nhà nước với chi phí đầu vào của dự án bằng giá tự do.

Có nhiều dự án nhà đầu tư được giao đất với giá thấp theo quy định của Nhà nước nhưng lại bán sản phẩm nhà ở, đất ở, đất có hạ tầng theo giá thị trường để có chênh lệch lớn. Vấn đề là phải hình thành được bảng giá sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường.

Nhưng thực tế để ban hành giá đất sát với thị trường không hề đơn giản. Hơn nữa khi đã có một khung giá đất rồi thì việc áp dụng vào từng công trình, từng dự án cũng là một vấn đề?

Bảng giá đất khi ban hành có một thời hạn nhất định. Chúng tôi cũng chủ trương sẽ cân nhắc, tính toán việc áp dụng giá đất trong những trường hợp cụ thể.

Nếu giá đất do UBND tỉnh thành phố quy định vượt khỏi nguyên tắc sát giá thị trường trong điều kiện bình thường thì sẽ giải quyết như thế nào?

Giá đất luôn biến động theo thời gian, do đó, chủ trương đưa ra là sẽ hình thành cơ chế bảng giá đất được áp dụng cho các hình thức thu thuế, phí và các khoản thu của nhà nước.

Còn các hoạt động khác như thu tiền sử dụng đất, cổ phần hoá, định giá tài sản… sẽ định lại theo từng thời điểm cụ thể. Đây là cơ chế phù hợp với biến động thường xuyên của thị trường cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong quá trình nghiên cứu để sửa đổi luật Đất đai, có tính đến việc cần tạo sự bình đẳng hoàn toàn về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài?

Đây là vấn đề được thảo luận, lấy ý kiến ở các địa phương, các cấp, các ngành. Theo đó cần có sự lành mạnh hóa, công bằng trong quan hệ sử dụng đất, trong cơ chế chính sách của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư trong nước chỉ được trả tiền thuê đất hàng năm trong khi nhà đầu tư nước ngoài được trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm tùy chọn. Điều này liên quan đến quyền của người sử dụng đất, quyền của tổ chức cho thuê đất.

Hiện tại, dự thảo điều chỉnh theo hướng tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được chọn hình thức thuê đất trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm cho thời gian thuê.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu về phương pháp xác định giá cho thuê, các quy định cho thuê làm sao đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Dự thảo luật có xem xét đến việc tháo gỡ những vướng mắc như: luật pháp hiện hành chỉ cho phép thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất mà không được nhận chuyển nhượng?

Đã từng có ý kiến đưa ra vấn đề này và theo tôi đó cũng là xu hướng cần xem xét.

Nhưng tại thời điểm này chưa có đủ điều kiện để xem xét cho nên dự thảo luật Đất đai sửa đổi không đề cập đến vấn đề này.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương