Sự trở lại của doanh nhân Vũ Văn Tiền
Khó khăn cũng là cơ hội để các đại gia có tiềm lực khẳng định mình và mở rộng thị phần.
Dù ai cũng biết là kinh tế và DN thời điểm đó đang khó khăn, song phát biểu của ông vẫn gây sốc, khiến cho những người tham dự cuộc gặp phải giật mình. Trong khi đó, rất nhiều chủ tịch các tập đoàn, DN khác vẫn không thẳng thắn nhìn nhận tình trạng nguy hiểm đang đến gần mà tận dụng cơ hội hiếm hoi này để đem lại bức tranh chân thật nhất về nỗi vất vả của DN đến người lãnh đạo cao nhất nước.
Một năm sau, những điều nói thẳng, nói thật của ông đã được chứng minh. Nhiều DN, từ những công ty tư nhân quy mô chưa tới chục người, đến cả những tập đoàn vài chục nghìn lao động chao đảo, ngừng hoạt động và bên bờ phá sản. Đến lúc này, nhiều người tự hỏi, giá như sự thực được nhìn nhận sớm hơn, giá như những quyết sách hỗ trợ DN được đưa ra sớm hơn và thực hiện quyết liệt hơn, có lẽ bức tranh kinh tế đã không ảm đạm như những ngày cuối năm con Rồng. Gặp lại ông sau một năm, hỏi ông, vừa bệnh nặng trở về sao lại phát biểu thật thế, ông nói: “Không nhìn thẳng vào sự thực, trên trận chiến kinh tế mà mơ hồ thì sẽ bị tiêu diệt”. Tính thẳng thắn, bộc trực của ông là vậy.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2012, dấu ấn ông Tiền thể hiện đậm nét trong thương vụ Tập đoàn Xi măng lớn nhất Indonesia Semen Gresik đầu tư vào Xi măng Thăng Long và sẽ sát cánh cùng Geleximco trong lĩnh vực này. Khi biết rằng, gần 50 nhà máy xi măng trên toàn quốc đều trong hành trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và thương vụ trên được đàm phán rốt ráo, triển khai trong thời gian chưa đầy 4 tháng, không ít chuyên gia trong lĩnh vực M&A thốt lên “thật khâm phục ông Tiền”. Đành rằng, bên cạnh ông có các nhân sự giỏi tư vấn về tài chính, về luật, song nếu không hiểu biết, không quyết đoán và ra quyết định kịp thời, cơ hội thu hút nhà đầu tư sẽ trôi qua. Ở thời điểm vốn đầu tư chọn lọc dự án như hiện nay, cuộc cạnh tranh tìm nhà đầu tư chiến lược thực thụ (không phải các nhà đầu tư tài chính đơn thuần) đang rất khốc liệt.
Vẫn có những người bán tín bán nghi về sự kiện này và cười nhạt: “Một hình thức gán nợ ấy mà. Làm gì có tiền thật”. Nhưng chắc rằng, nếu được nhìn thông báo của các ngân hàng nước ngoài về việc tiền đã được chuyển trước ngày 2 bên ký hợp đồng, họ sẽ không còn suy nghĩ như vậy. Nghi ngờ của họ cũng dễ hiểu bởi nếu không phải ông Tiền, không dễ ai có thể làm được điều đó.
Đây thực sự là một điểm sáng trong bức tranh hoạt động của cộng đồng DN năm 2012, nhưng ông Tiền không muốn nói nhiều về sự kiện này, ông bảo: “Các DN đang khó khăn, đồng nghiệp của mình đang lao tâm khổ tứ, lo ngày lo đêm cho sự nghiệp và công ty của họ. Mình phải chia sẻ”. Song đối tác nước ngoài là một trong những tập đoàn lớn nhất Indonesia, đây là khoản đầu tư lớn và họ muốn công bố rộng rãi thông tin. Đích thân ông Bộ trưởng Các DN nhà nước Indonesia Dahlan Iskan sang Việt Nam chứng kiến lễ ký kết. Bên lề sự kiện, cánh nhà báo Indonesia do Semen Gresik mời tham dự cứ thắc mắc với tôi, tại sao ông Chủ tịch Geleximco, cái con người gầy, nhỏ, có nụ cười hiền lành ấy lại có thể điều hành ngon lành hàng chục DN trong hệ thống của mình. Trước khi gặp ông, họ cứ ngỡ ông chủ Việt Nam phải là người bệ vệ, “ăn to nói lớn” kia. Nói về sự kiện, ông chỉ có một câu ngắn gọn: “Cám ơn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương 2 nước, Indonesia và Việt Nam đã giúp đỡ, hỗ trợ, cho phép thực hiện thương vụ. Ngoài ra, còn có sự nỗ lực, tâm huyết, cố gắng của Ban lãnh đạo cùng cán bộ nhân viên Tập đoàn Geleximco đã làm nên thương vụ thành công mang dấu ấn tốt đẹp này”.
Để có cơ nghiệp như hôm nay, ông Tiền có nhiều cộng sự giỏi, nhưng ông là người không thể thiếu để khơi gợi nhiệt huyết, truyền lửa cho họ tỏa sáng. Một cộng sự của ông nói: “Trong những lúc khó khăn nhất mới thấy sức mạnh của anh Tiền”. Vào năm 2008, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, chính ông là người quyết định vào thành công của Ngân hàng An Bình (ABBank) trong việc thu hút Maybank, ngân hàng lớn nhất Malaysia đầu tư vào ABBank với giá trị gấp 5 lần mệnh giá. Sau đó, năm 2009, phát hành thành công 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 24 tháng và 390 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu thường kỳ hạn 24 tháng cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Maybank. Nếu điểm tên các đối tác của Geleximco đến từ Nhật, Mỹ, Canada, EU... mới thấy cái duyên hợp tác với DN nước ngoài, có thương hiệu quốc tế của ông Tiền. Song đã làm ăn với nước ngoài, làm gì có chuyện “không bột mà gột nên hồ”. Khi các "đại gia" đã bỏ tiền của ra, họ phải thẩm định dự án rất kỹ. Tìm hiểu về số vốn hàng trăm triệu USD cùng hiệu quả cao của các dự án, sẽ có câu trả lời vì sao ông Tiền lại thường xuyên "chơi" được với các DN lớn.
DN là cuộc đời của mỗi doanh nhân, tâm huyết của doanh nhân Vũ Văn Tiền là sự phát triển và lớn mạnh của Tập đoàn Geleximco với những lĩnh vực chủ lực gồm bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, trong đó chủ yếu là sản xuất công nghiệp. Ông Tiền bảo, phi thương bất phú, nhưng đến giai đoạn này thì sản xuất vẫn là gốc. Làm công nghiệp tuy mệt, lại không sinh lãi nhanh nhưng bền. Với ông, cây muốn vững thì gốc rễ phải bền, phải lớn trên nền đất sạch. “Thương trường không phải là chiến trường, kinh doanh có lợi nhuận nhưng làm sao để mọi người đều có lợi”, triết lý kinh doanh ấy khiến Vũ Văn Tiền có nhiều bạn bè và ai cũng quý mến ông.
Có độ nhạy bén và sắc sảo về kinh doanh, tầm nhìn xa trong các dự án đầu tư, song không phải lúc nào Vũ Văn Tiền cũng thành công. Có những dự án, ông cũng thất bại và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Điều gì giúp Vũ Văn Tiền cân bằng trong cuộc sống? Ẩn sau một ông chủ DN giàu tiềm lực là một doanh nhân rất có tâm hồn nghệ sỹ. Ông Tiền thích nghe dân ca, nhạc đỏ, ông bảo nhân viên, những lúc khó khăn như hiện nay, nghe được bài hát hay lại thấy mệt mỏi tan biến, lại thấy yêu đời để có tinh thần cống hiến. Với tôi, đã chục năm biết ông thì Vũ Văn Tiền vẫn vẹn nguyên là một con người bình dị, chân tình, cởi mở và đặc biệt nói chuyện rất có duyên. Không ít doanh nhân, trong câu chuyện với cánh nhà báo, ngay cả khi đã coi nhau như những người bạn vẫn có gì đó nghiêm nghị và khuôn phép, song trò chuyện với Vũ Văn Tiền luôn đem lại cảm giác thoải mái, hơn nữa, người đối diện có thể rút ra nhiều bài học cho riêng mình về cách sống, cách làm việc và ứng xử qua lối kể chuyện dí dỏm và thông minh của ông.
“Khi thành đạt không tự mãn, khi gặp sóng gió không mềm lòng. Tiền bạc, vốn liếng có thể hết rồi lại có. Chỉ còn lại tình đời, tình người, ghi những dấu ấn tốt đẹp cho người thân, bạn bè, cộng sự là mãi mãi bền lâu”, ông tâm sự.