Sự thật về rượu giả

Những tháng cận Tết, không chỉ có rượu lậu mà cả rượu giả cũng đang trở thành vấn đề nổi cộm. Với rượu thật uống nhiều đã có hại thì hậu quả này còn nhanh và nghiêm trọng hơn khi uống nhầm phải rượu giả do cồn là chất độc hại, không được dùng trong ăn uống…

“Cồn” + “nước lã” thành Vodka giả

Theo thống kê của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), mỗi năm, cả nước tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu nhưng chỉ có khoảng 20% là rượu có thương hiệu, 80% là rượu không nhãn mác, rượu làng nghề.

Các nhà chức trách thừa nhận, sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu nhái và rượu kém chất lượng đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam. Do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong nước đã cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái nhãn các nhãn hiệu rượu cả nội lẫn ngoại nổi tiếng, có uy tín để lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.


Chọn những cửa hàng phân phối chính hãng hay siêu thị uy tín cũng là một cách để người tiêu dùng tránh mua phải rượu giả (ảnh minh họa)

Chọn những cửa hàng phân phối chính hãng hay siêu thị uy tín cũng là một cách để người tiêu dùng tránh mua phải rượu giả (ảnh minh họa)

Phương thức sản xuất rượu giả phổ biến ở Việt Nam là dùng vỏ chai rượu các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng mà nhãn mác còn mới cùng với nắp, nút giả để đóng chai rượu giả.

Câu chuyện về "biến" cồn và nước lã thành rượu nhái thương hiệu lớn của đối tượng Lê Minh Hòa (Lâm Đồng) đã được tòa án đưa ra xét xử hồi tháng 9/2015 vừa qua cho thấy mức độ nguy hiểm của mặt hàng này khi bị làm giả.

Theo cáo trạng, Lê Minh Hòa bị Cơ quan chức năng bắt quả tang đang vận chuyển 48 chai rượu giả nhãn hiệu Vodka Hà Nội từ phòng trọ do Hòa thuê (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đưa lên xe gắn máy đem đi tiêu thụ. Hòa thường mua cồn ngoài chợ về pha chế theo công thức rất đơn giản, cứ 10 lít cồn thực phẩm pha với 20 lít nước lọc, tất cả cho vào bình 30 lít. Ngoài ra, Hòa còn bỏ thêm nước đường vào bình dung dịch trên, để khoảng vài giờ cho lên men.

Sau đó, Hòa chiết dung dịch pha chế trên vào vỏ chai Vodka Hà Nội loại có dung tích 300ml và 750ml. Hòa đóng nắp bằng tay, sử dụng dụng cụ siết nắp chai rồi dán tem thuế rượu “thượng hạng” lên nắp chai đem tiêu thụ…

Bị cáo Lê Minh Hòa đã bị tòa tuyên phạt mức án 2 năm tù về tội danh trên, nhưng hậu quả cho người tiêu dùng là vô cùng lớn. Những trường hợp bị uống nhầm phải rượu Vodka rởm, người uống thường có biểu hiện rất đau đầu, chóng mặt và buồn nôn đồng thời rất tức ngực.

Làm gì để tránh mua phải rượu giả?

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiêu Việt Nam cho biết: Hiện nay, tình hình hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đã được Chính phủ đánh giá là đang diễn ra nghiêm trọng, từ hàng cao cấp đến hàng bình dân, đặc biệt là đối với những mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là một thách thức lớn đối với Chính phủ, lực lượng thực thi, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong điều kiện nước ta đang hội nhập sâu rộng nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

“Không có mặt hàng gì là không thể làm giả. Thậm chí doanh nghiệp đã dán 3 loại tem Laze Hologram 3 chiều; Hologram nhiệt, tem decal phát sáng … đều bị làm giả. Sản phẩm nào tiêu thụ tốt thường dễ bị làm giả.” – ông Thịnh khẳng định.

Nhà nước đã có chỉ đạo quyết liệt chống hàng giả, doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm. Chẳng hạn như cần phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để có cơ sở pháp lý bảo vệ thương hiệu; thiết lập và quản lý hệ thống phân phối chặt chẽ hợp tác chặt chẽ với lực lượng thực thi và người tiêu dùng…. Và với mặt hàng rượu liên quan trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng thì nhà sản xuất càng không thể chủ quan. Chủ động chống rượu giả vừa để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp cũng như vừa để bảo vệ người tiêu dùng.


Việc áp dụng những công nghệ tiên tiến để sản xuất vỏ chai, nắp chai... là cách được một số doanh nghiệp sản xuất rượu uy tín áp dụng nhằm tránh làm giả.

Việc áp dụng những công nghệ tiên tiến để sản xuất vỏ chai, nắp chai... là cách được một số doanh nghiệp sản xuất rượu uy tín áp dụng nhằm tránh làm giả.

Với vai trò doanh nghiệp, ông Mai Văn Lợi – Tổng Giám đốc công ty Halico chia sẻ: “Công tác chống rượu giả không chỉ là vấn đề về uy tín và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm đối với sức khỏe người tiêu dùng. Để chống lại tình trạng thật giả lẫn lộn như từng xảy ra đối với thương hiệu Vodka Hà Nội vừa qua, trong lần cải tiến đột phá với sự hợp tác của tập đoàn nước ngoài nổi tiếng và vốn đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất rượu lên tới 50 triệu USD, Halico không chỉ nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng tới tiêu chí an toàn mà còn thay đổi mẫu mã, áp dụng công nghệ dập nổi vỏ chai, nắp chai chuyên biệt, khó có thể bắt chước làm giả được bằng những dụng cụ thông thường”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương cũng thông tin thêm: Quy hoạch ngành rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Nhà nước chủ trương không cấm nhưng có kiểm soát. Trong đó, nấu rượu công nghiệp được khuyến khích để thay thế nấu rượu thủ công, các cơ sở chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách cũng được ban hành nhằm hạn chế những tác hại của rượu, người uống rượu theo cách có văn hóa hơn và đảm bảo sức khỏe. Bởi đã là rượu thì dù rượu thật hay giả đều mang đến những tác hại xấu cho người dùng khi uống quá nhiều, không kiểm soát được hành vi. Với rượu thật uống nhiều đã có hại thì hậu quả này còn nhanh và nghiêm trọng hơn khi uống nhầm phải rượu giả do cồn là chất độc hại, không được dùng trong ăn uống. Bởi vậy, nếu phát hiện các biểu hiện lạ của cơ thể cần dừng uống, nhanh chóng đi cấp cứu khi tình trạng tiến triển xấu.

Người tiêu dùng cũng được khuyên rằng, bên cạnh việc chủ động tham khảo tìm hiểu về sản phẩm cần quan tâm, thì việc chọn những cửa hàng phân phối chính hãng hay siêu thị uy tín cũng là một cách để họ tránh mua phải rượu giả.

Bằng Linh