Sự thật về mức lương 1 USD/năm của các CEO Mỹ

Thời gian qua, nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn ở Mỹ, nhất là các tập đoàn nhận tiền cứu trợ từ Chính phủ nước này, đã gây ấn tượng khi tuyên bố chấp nhận mức lương 1 USD/năm.

Sự thật về mức lương 1 USD/năm của các CEO Mỹ - 1
Việc đặt ra mức lương 1 USD có thể chỉ là hình thức.
 
Nhưng thực tế có đúng là như vậy? Liệu những vị CEO với mức lương gần như chẳng có gì này có đúng là những “người hùng” như vẫn được báo chí ca ngợi? Trên thực tế, việc đặt ra mức lương 1 USD có thể chỉ là hình thức, vì lương là một chuyện, thu nhập là chuyện khác.

Bởi thế, phần lớn CEO ở Mỹ vẫn cứ bỏ túi hàng núi của nả, cho dù lương của họ có là 1 USD. Mặc dù thu nhập bằng tiền mặt có thể giảm, thu nhập được trả bằng lượng cổ phiếu khổng lồ thậm chí còn giúp họ giàu hơn trong dài hạn.

Ngoài ra, các CEO vẫn có thể lĩnh tiền thù lao phụ gồm các khoản như tiền an sinh, tiền chăm sóc sức khỏe, tiền bảo hiểm… - một phần không thể thiếu trong gói thù lao của họ.

Cần nói thêm, trong gói thu nhập các CEO ở Mỹ, lương chỉ đóng một phần rất nhỏ. Ngoài lương, trong gói này còn có vô số khoản khác như thưởng tiền mặt, tiền thù lao phụ, tiền phúc lợi, thưởng cổ phiếu và quyền chọn…

Thống kê cho thấy, tổng thu nhập bình quân năm 2007 của CEO các ngân hàng Mỹ có tài sản từ 10 tỷ USD trở lên được bơm vốn từ kế hoạch 700 tỷ USD là hơn 11 triệu USD. Trong đó, lương cơ bản chỉ là hơn 840.000 USD.

Nhưng trong các chiến dịch PR cho doanh nghiệp, những thực tế này bị giấu nhẹm, chỉ có mức lương 1 USD là được “quảng cáo” hết sức rầm rộ. Tới giữa tháng 1 vừa qua, 28 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ tuyên bố sẽ giảm lương lãnh đạo, so với con số 20 công ty tuyên bố tương tự tính tới tháng 12/2008. Vào tháng 6 năm ngoái, chỉ có 2 công ty cho hay sẽ thực hiện chính sách này, và vào tháng 7, con số này là 4 công ty.

Trong thời gian tới, sẽ còn nhiều công ty nữa phải hành động tương tự, vì mới đây, Tổng thống Barack Obama đã áp trần 500.000 USD đối với thù lao tiền mặt của lãnh đạo cao cấp các tập đoàn tài chính nhận tiền cứu trợ từ Chính phủ.

Tuy nhiên, giới hạn này chỉ áp dụng cho lương thưởng tiền mặt, và các doanh nghiệp muốn trả hậu hĩnh hơn cho lãnh đạo sẽ phải dùng tới cổ phiếu. Cái khó duy nhất là số cổ phiếu này chỉ được phép bán khi tập đoàn nhận tiền viện trợ đó đã thanh toán toàn bộ tiền giải cứu mà các nhà chức trách đã chi ra.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp và lãnh đạo công ty không “đau đầu” về chuyện cân nhắc lại vấn đề lương thưởng. Trong bối cảnh kinh tế đi xuống, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, chắc chắn các CEO phải nghĩ tới chuyện này. Mặt khác, cổ đông thua thiệt vì cổ phiếu lao dốc và nhân viên bị sa thải cũng chẳng để họ yên.

Hãng cà phê Starbucks mới đây tuyên bố sẽ giảm lương của CEO Howard Schultz từ mức 1,2 triệu USD trong năm 2008 xuống dưới 10.000 USD vào năm 2009, trong bối cảnh công ty phải ngưng hoạt động khoảng 900 cửa hàng và sa thải 6.700 nhân viên.

Tuy nhiên, công ty này cho biết, tiền thù lao phụ của ông vẫn sẽ được giữ nguyên. Năm ngoái, vị CEO này nhận được 764.364 USD ở hạng mục này, bao gồm các khoản tiền an sinh, phí bảo hiểm và phí chăm sóc sức khỏe hàng năm.

Ngoài ra, trong năm 2009, Schultz vẫn sẽ nhận được thưởng quyền chọn cổ phiếu, với số lượng đang được giữ bí mật. Năm ngoái, Schultz được thưởng lượng quyền chọn trị giá 7,78 triệu USD tính theo giá thị trường ở thời điểm được thưởng.

Câu lạc bộ các CEO nhận lương 1 USD/năm của Mỹ mới kết nạp thêm một thành viên mới là CEO Rick Wagoner của General Motors (GM). Vị CEO này chấp nhận mức lương 1 USD vì hãng GM dưới sự lãnh đạo của ông có nguy cơ bị phá sản và cần tới sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Mỹ. Trước đó, lương của ông năm 2007 là 1,6 triệu USD.

Theo thỏa thuận với Chính phủ Mỹ, Wagoner cũng sẽ không nhận được một đồng tiền thưởng nào, cho dù đó là tiền mặt hay cổ phiếu. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ nhận được những khoản thù lao thêm và những khoản này vào năm 2007 có tổng trị giá 700.000 USD.

Ngoài ra, ông vẫn có thể nhận được thưởng quyền chọn cổ phiếu - hạng mục không phụ thuộc vào tình hình hoạt động doanh nghiệp. Năm 2007, thưởng quyền chọn cổ phiếu cho Wagoner trị giá 4 triệu USD ở thời điểm trao tặng.

Việc tổng mức thu nhập phụ thuộc mạnh như vậy vào cổ phiếu đồng nghĩa với việc các CEO sẽ nhận được ít tiền mặt và chịu sự ràng buộc lớn hơn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trị gói thù lao mà họ nhận được vẫn có thể sẽ là rất lớn.

Vào thập niên 1970, CEO Lee Iacocca  của hãng Chryles khiến cả thế giới xuýt xoa ngưỡng mộ khi chấp nhận mức lương 1 USD/năm để xin Chính phủ Mỹ cấp cho khoản bảo lãnh nợ trị giá 1,5 tỷ USD để cứu sống tập đoàn. Nhưng trên thực tế, những gì mà vị CEO huyền thoại này nhận được từ Chrysler không phải chỉ có 1 USD.

Dù không được một đồng tiền mặt lương, thưởng nào, vị CEO này vẫn có số cổ phiếu 359.999 USD và một lượng quyền chọn cổ phiếu không nhỏ. Trong thời gian 1978 - 1987, số quyền chọn cổ phiếu Chrysler dành cho Iacocca đem lại cho vị CEO này 43 triệu USD.

Theo Kiều Oanh
VnEconomy/AP