Sự thật mức thuế doanh nghiệp Mỹ phải nộp sau đề xuất tăng của ông Biden
(Dân trí) - Các nhóm vận động hành lang kinh doanh cho rằng, đề xuất của ông Biden sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thương trước các đối thủ nước ngoài.
Theo phân tích của Reuters về hồ sơ của hàng trăm doanh nghiệp Mỹ và quốc tế, các công ty Mỹ nộp thuế thu nhập ít hơn so với các đối thủ nước ngoài và sẽ tiếp tục như vậy ngay cả khi ông Biden đề xuất tăng thuế.
Phân tích này đã loại bỏ lập luận của một số giám đốc điều hành và các hiệp hội thương mại rằng kế hoạch của ông Biden sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ phải chịu một số loại thuế cao nhất thế giới, phải vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Trước đó, các hiệp hội đã lên tiếng phản đối đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ mức 21% hiện nay lên 28%. Ông Biden cũng muốn nâng mức thuế tối thiểu đối với thu nhập từ nước ngoài từ mức 10,5% lên 21%.
Theo phân tích của Reuters, các tập đoàn Mỹ thường nộp ít hơn, đôi khi là thấp hơn nhiều so với mức quy định, vì luật thuế của Mỹ có nhiều ưu đãi trong việc giảm thuế và khấu trừ cũng như cho phép lập kế hoạch thuế ở nước ngoài.
Reuters đã kiểm tra các mức thuế hiệu quả thực nộp của 52 trong số các công ty đa quốc gia lớn nhất có trụ sở tại Mỹ, sau đó so sánh với mức mà các đối thủ của họ ở nước ngoài. Theo đó, trong năm 2020, các công ty Mỹ đã nộp mức thuế hiệu quả trung bình là 16%, trong khi 200 công ty nước ngoài mà các công ty Mỹ nêu tên là đối thủ cạnh tranh trong hồ sơ phải trả mức thuế trung bình là 24%.
Nếu các mức thuế đề xuất của ông Biden được áp dụng cho thu nhập năm 2020 của các công ty Mỹ thì họ sẽ phải trả mức thuế hiệu quả cao trung bình hơn khoảng 5 điểm phần trăm, hay 21% - theo phân tích của Reuters. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với mức trung bình mà các đối thủ nước ngoài phải nộp.
Reuters dẫn giải, các công ty Mỹ có thể sẽ vẫn giữ được lợi thế về thuế hơn so với các đối thủ nước ngoài vì 2 lý do sau: Một là, Reuters chưa tính toán đến tác động của đợt giảm thuế mới đối với các công ty Mỹ mà ông Biden đề xuất để khuyến khích sản xuất trong nước và đầu tư vào năng lượng sạch. Hai là, kế hoạch của ông Biden cũng sẽ yêu cầu các công ty nước ngoài có hoạt động tại Mỹ phải trả thuế cao hơn đối với khoản thu nhập tại Mỹ.
Trước đó, các nhóm vận động hành lang kinh doanh đã cho rằng, đề xuất của ông Biden sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thương trước các đối thủ nước ngoài.
"Việc tăng thuế như vậy sẽ khiến các công ty Mỹ không thể cạnh tranh trên toàn cầu", ông Joshua Bolten - CEO của Business Roundtable - hiệp hội đại diện cho 200 doanh nghiệp lớn ở Mỹ nói.
Theo Hiệp hội này, việc so sánh mức thuế hiệu quả như phân tích của Reuters chỉ mang tính thông tin và là một trong nhiều cách để phân tích mức độ ảnh hưởng của thuế đối với cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp Mỹ. Tổ chức này cho biết, việc so sánh các mức thuế giữa các quốc gia - không tính đến các khoản khấu trừ, tín dụng và lập kế hoạch thuế ở nước ngoài - cũng phản ánh chính xác động lực để các doanh nghiệp đặt trụ sở tại quốc gia này so với các quốc gia khác.
Neil Bradley - Trưởng phòng chính sách của Phòng Thương mại Mỹ từ chối bình luận về phân tích của Reuters, nhưng cho rằng: "Thuế cao sẽ cản trở đầu tư và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, cuối cùng nó sẽ gây tổn thương cho công nhân Mỹ".
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Ron Wyden - Chủ tịch Ủy ban tài chính của Thượng viện Mỹ - nói với Reuters: "Số liệu rất rõ ràng là các tập đoàn lớn của Mỹ đang đóng góp quá ít cho ngân sách của Liên bang, đặc biệt là so với các đối tác nước ngoài".
Trước đó, Nhà Trắng cũng cho biết trong một tuyên bố rằng, các tập đoàn lớn nhất Mỹ trả ít hơn các đối thủ cạnh tranh khác và cho rằng đề xuất của ông Biden để giải quyết "các trò chơi thuế và quà tặng" - cơ sở cho mức thuế thấp này.