1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sử dụng ô tô công ở cấp địa phương: Làm sao để hiệu quả?

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Phan Xuân Hoàng – Cán bộ Văn phòng HĐND tỉnh Nghệ An về chế độ trang bị sử dụng ô tô công từ nguồn ngân sách nhà nước ở cấp địa phương.

Sử dụng ô tô công ở cấp địa phương: Làm sao để hiệu quả? - 1

Ngày 4/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32 để quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, nhìn chung quy định này thắt chặt hơn về quản lý xe công so với các quy định trước, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết triệt để nguồn gốc của vấn đề.

Để giúp tiếng nói về tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu công, trong bài viết này xin bàn về chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước từ trước đến nay ở cấp địa phương.

Thực trạng việc trang bị, sử dụng xe công

Trong giai đoạn trước năm 1975, xe ô tô công chỉ được trang bị cho cấp tỉnh, song chỉ một số cơ quan đơn vị chủ chốt để phục vụ chỉ đạo, chỉ huy sản xuất và chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Xe trang bị giá thấp chủ yếu xe Uoát do Liên Xô chế tạo.

Thời kỳ này hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc lạc hậu nên việc trang bị, sử dụng xe ô tô công là cần thiết để trực tiếp thu thập và truyền đạt thông tin chỉ huy, chỉ đạo phục vụ sản xuất, chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đòi hỏi nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Trong thời kỳ 1975-1990, xe ô tô công được trang bị cho các địa phương phía Bắc vẫn chưa được cải thiện, xe ô tô công ở các địa phương phía Nam chủ yếu quản lý, sử dụng xe ô tô chế độ cũ để lại.

Việc trang bị xe ô tô công lúc này là hết sức cần thiết để trực tiếp thu thập, truyền đạt, chỉ huy, chỉ đạo phát triển sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, phục vụ cho cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Theo báo cáo của Cục công sản của Bộ Tài chính, hiện nay tổng số xe công cấp địa phương trong cả nước khoảng 23.400 xe ô tô các loại (từ 4 chỗ ngồi, 7 chỗ ngồi và 15 chỗ ngồi) và kinh phí cho việc nuôi 1 ô tô trong 1 năm là khoảng 320 triệu (bao gồm cả trả lương lái xe, công tác phí, xăng dầu, sửa chữa,…). Như vậy tổng kinh phí nuôi xe ô tô công ở cấp địa phương hàng năm là: 23.400 x 320 triệu = 7.488 tỷ đồng.

Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; có 713 huyện, quận, thị xã, thành phố cấp huyện. Riêng tổng số xe công trang bị cho các cơ quan Thành ủy, Đoàn ĐBQH, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh là 31+ 29 = 60 chiếc xe.

Số xe công trang bị cho các cơ quan Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND cấp tỉnh còn lại là: 61 tỉnh x 3xe x 4 cơ quan = 732 chiếc xe; Số xe công trang bị cho các cơ quan ban Đảng cấp tỉnh, các cơ quan đoàn thể trực thuộc cấp tỉnh, các Sở ban ngành cấp tỉnh [2] là: 39 cơ quan x 2xe x 63 tỉnh = 4.914 chiếc xe.

Số xe công trang bị cho các đơn vị trực thuộc Sở, Ban ngành, đoàn thể mà lãnh đạo có mức phụ cấp trách nhiệm 0,7 (89 cơ quan/1 tỉnh [3]) là: 63 tỉnh x 89 cơ quan x 1xe = 5.607 chiếc xe; Số xe công trang bị ở cấp huyện: Huyện ủy, HĐND và UBND là: huyện x 2xe x 3 cơ quan = 4.278 chiếc xe.

Như vậy, tổng số xe công theo định mức Quyết định 32 là: 60 + 732 + 4914 + 5607 + 4278 = 15.591 chiếc xe.

Với giá xe thấp nhất theo quy định là 720 triệu/chiếc, thì tổng chi phí cho việc mua xe công ít nhất là: 15.591 chiếc x 720 triệu = 11.225 tỷ; Tiền lương, phụ cấp nghề, bảo hiểm xã hội (% ngân sách chi trả), công tác phí cho lái xe công cả nước ước tính 1.360 tỷ đồng (mỗi xe có 1 lái xe).

Tiền xăng, dầu nhờn bão dưỡng xe phục vụ công tác ước tính 490 tỷ đồng (tính theo qui định thời gian vận hành 25 vạn km, tuổi thọ 15 năm, đơn giá xăng 17.000 đồng/lít; xe mới 1000km bảo dưỡng 1 lần và xe cũ trung bình 5000km/1 lần bão dưỡng); Mua bảo hiểm xe cả nước khoảng 187 tỷ đồng (bảo hiểm bắt buộc xe và người ngồi trên xe 12 triệu đồng/xe).

Theo quy định 15 năm xe hết hạn sử dụng. Do đó, hàng năm số xe phải thay mới khoảng 1000 chiếc (15591 xe/15năm). Như vậy chi phí cho việv thay mới số xe này (tính theo định mức mua xe thấp nhất) là 1000 x 720 triệu = 720 tỷ .

Tổng hợp chi hàng năm các khoản trên cho xe công ở cấp địa phương (theo định mức Quyết định 32) là: 2.7571 tỷ đồng; Còn nếu tính tất cả các chi phí nuôi 1 xe công hàng năm là 320 triệu như Cục công sản Bộ Tài chính thì Tổng chi hàng năm cho xe công ở cấp địa phương gần 5000 tỷ đồng (=15591xe x 320 triệu).

Đây là những con số có thể tính toán được, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều do nhiều khoản chưa tính như vé gửi xe, phí rửa xe, thay thế, sửa chữa, công tác phí và lưu trú cho lái xe,…

Rõ ràng quản lý và sử dụng xe công là một trong những vấn đề bức xúc và mất niềm tin nhất trong nhân dân cần được có giải pháp giải quyết triệt để. Thực tế, Quyết định 32 chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề và khó thực hiện vì một số lý do:

Thứ nhất, số xe dôi dư giữa thực tế so với quyết định 32 là rất lớn, khó cho việc điều chuyển hoặc thanh lý (theo Bộ Tài chính thì số xe dôi dư cả nước là 7000 chiếc, nhưng thực tế lớn hơn nhiều vì chỉ tính riêng dôi dư ở cấp địa phương theo tính toán ở trên đã là 7.800 xe).

Thứ hai, cho dù Bộ Tài chính có giải pháp tốt để giải quyết số xe dôi dư thì số xe công và chi phí cho việc nuôi xe theo tính toán ở mức thấp nhất ở trên (chỉ tính riêng ở cấp địa phương) cũng là rất lớn và không cần thiết.

Thứ ba, Phó chủ tịch HĐND chuyên trách, Phó Đoàn ĐBQH chuyên trách, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thậm chí giám đốc các Sở, ngành không có xe đưa đón là khó thực hiện trong thực tế.

Đâu là giải pháp?

Việc giữ lại xe ô tô công cho các lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh như Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh; các cơ quan, đơn vị đặc thù như chống buôn lậu, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn…; các cơ quan, đơn vị còn lại bỏ chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công từ nguồn ngân sách, bởi các lý do:

Thứ nhất, ngân sách không phải bỏ kinh phí trên 11.225 tỷ đồng để trang bị xe ô tô. Hàng năm không phải chi trên 2.700-5.000 tỷ đồng cho việc nuôi xe công, giúp xóa bỏ tiêu cực trong việc mua sắm, thanh lý sử dụng xe ô tô,… (như phân tích đã nêu trên).

Thứ hai, hiện nay, trong tương lai hạ tầng thông tin liên lạc phát triển hiện đại, việc hội họp thay tập trung bằng trực tuyến, việc thu thập truyền đạt thông tin, chỉ huy, chỉ đạo không nhất thiết trực tiếp như trước đây mà thông qua sử dụng mạng, điện thoại, di động và các phương tiện khác…

Thứ ba, hiện nay sân bay đã được đầu tư xây dựng khắp các vùng miền đất nước (từ đảo Phú Quốc đến Điện Biên); nhiều hãng máy bay phục vụ liên tục đi lại thuận lợi, tiết kiệm; việc đi công tác ở xa không cần xe ô tô mà bằng phương tiện máy bay vừa hiệu quả, tiết kiệm nhiều lần so với đi bằng ô tô.

Thứ tư, hiện nay số đông công chức, viên chức đã có ô tô riêng, đặc biệt công chức lãnh đạo (đối tượng được sử dụng ô tô công nêu trên) hầu hết đã có ô tô riêng (hoặc có tiền để mua xe ô tô riêng).

Theo quan sát, gia đình các công chức lãnh đạo có từ 1 đến 5 xe ô tô riêng. Nếu đề xuất trên được thực hiện: Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và xã hội xây dựng, ban hành phương án giải quyết khoảng 19 ngàn lái xe do bỏ cơ chế trang bị xe ô tô công.

Cùng với đó, Bộ tài chính cần xây dựng và ban hành qui định giải quyết (bán, đấu giá, điều chuyển) số xe ô tô công hiện có ở các cơ quan, đơn vị đang sử dụng; xây dựng và ban hành qui định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho đối tượng được sử dụng.

Ngoài ra, các đối tượng được sử dụng xe ô tô công nên đi công tác xa phải đi máy bay (vé, lưu trú nhà nước thanh toán) nếu thuê xe phục vụ công tác được thanh toán theo quy định, phần còn lại nên khoán trong quĩ lương, mức khoán có thể 0,2-0,7% (tùy vùng miền) mức lương cơ bản hiện hưởng hàng tháng (với mức khoán này mỗi năm ngân sách chi khoảng trên dưới 400 tỷ đồng).

Những kiến nghị và giải pháp trên đây nếu được thực hiện hy vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, xóa bỏ tiêu cực góp phần lành mạnh hóa xã hội.

Theo Phan Xuân Hoàng
Diễn đàn Doanh nghiệp