Sự dối trá đang ăn mòn Trung Quốc
Đó hẳn là điều mà giới phân tích thế giới đang phải thốt lên khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, khi mà sự dối trá đang lan tràn trong khắp xã hội cũng như bộ máy quản lý của nền kinh tế thứ hai thế giới.
So với việc khai báo khống thành tích tăng trưởng hàng năm vốn là điều đã trở thành thông lệ đối với các quan chức địa phương ở Trung Quốc, thì việc đưa ra các đề xuất ngân sách cho các dự án ảo được xem là một bước ngoặt của hoạt động tham nhũng ở nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nếu như các quan chức địa phương hoàn toàn có thể khai khống thành tích tăng trưởng ở địa phương mình lên một chút vào cuối năm mỗi khi báo cáo số liệu lên chính phủ Trung Quốc, và điều này được xem là an toàn khi đó không chỉ là một căn bệnh mà địa phương nào ở Trung Quốc cũng mắc phải và chính phủ sẽ không sờ đến nếu không có những gì lý do đặc biệt, thì nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho các quan chức lãnh đạo địa phương “dám liều” là sẽ rất khó phát hiện ra những điều chỉnh này.
Việc tính toán các số liệu để đưa ra con số tăng trưởng ở địa phương là một công việc phức tạp và chỉ có các quan chức ở mỗi vùng mới có thể xử lý được, con số tăng trưởng sau khi được tính toán xong sẽ được chuyển lên chính phủ để đưa ra tốc độ tăng trưởng của cả nước.
Vì thế, nếu như việc khai báo khống thành tích là tương đối an toàn do công việc tính toán số liệu nằm hoàn toàn trong tay chính quyền địa phương, thì việc đưa ra các đề xuất ngân sách ảo bị coi là nguy hiểm hơn rất nhiều ở Trung Quốc. Các quan chức cấp bộ ở trung ương có thể dễ dàng kiểm tra tính xác thực các khoản ngân sách được đề xuất và Ủy ban kiểm tra quốc gia luôn kiểm soát chặt các nguồn vốn ngân sách. Nhưng sự kiểm soát chặt chẽ đó cũng vẫn không ngăn chặn được việc số đề xuất ngân sách ảo đang ngày càng tăng lên hàng năm ở Trung Quốc.
Trong động thái mới nhất, bộ Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không cấp ngân sách trị giá 313 tỉ Nhân dân tệ, tương đương với 51 tỉ USD, sau khi phát hiện ra một loạt các dự án ảo được đề xuất ngân sách trong năm 2015. Sự tham nhũng đáng báo động của Trung Quốc đã lên tới mức chính phủ giờ đây cũng đang là đối tượng để các tham quan nước này bòn rút bằng các thủ đoạn mờ ám.
Việc Bộ Tài chính Trung Quốc công khai tuyên bố chấm dứt các khoản chi ngân sách được gọi là “sai sự thật” này được xem là một đòn nặng giáng thẳng vào nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ nước này. Trong thời gian qua, chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn vẫn được gọi là “Đả hổ đập ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình triển khai đã gây được một tiếng vang lớn, số quan chức bị bắt giữ và điều tra đã lên tới 70.000 người, trong số đó có không ít các quan chức cao cấp nhất.
Nhưng sự cố gắng đó có vẻ như vẫn không làm suy giảm mức độ tham nhũng nghiêm trọng ở nước này, khi mà giờ đây thay vì các hình thức tham nhũng ngầm thì các tham quan đã có những hành vi mà nhiều học giả Trung Quốc gọi là tham nhũng công khai. Thay vì các hình thức tham nhũng truyền thống như nhận hối lộ hay bòn rút ngân quỹ, các quan chức Trung Quốc lại liều lĩnh lập ra các dự án giả mạo rồi đề xuất ngân sách nhà nước.
Giới phân tích cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thắt chặt vấn đề nợ công của các địa phương. Trong bối cảnh tổng mức nợ công Trung Quốc đang sắp chạm mốc 60% GDP mà quá nửa số đó là nợ công của các địa phương, việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát nợ công ở các địa phương đang khiến các lỗ hổng ngân sách ở các địa phương Trung Quốc đang có nguy cơ bị phanh phui hơn bao giờ hết.
Trong tình hình đó cần có các nguồn tài chính để bù đắp vào các lỗ hổng này trước khi bị điều tra. Tình hình khẩn thiết đến mức nhiều nhà lãnh đạo các tỉnh đang bắt đầu một cuộc chạy đua lập ra các dự án phát triển không có thật ở địa phương của mình để xin cấp ngân sách đầu tư từ trung ương.
Các chuyên gia quốc tế và các học giả Trung Quốc cũng đang cảnh báo một hậu quả nghiêm trọng từ việc gian lận ngân sách này hơn là sự thất thoát ngân sách đơn thuần. Trên thực tế, nó đang cảnh báo một xu hướng trong đó chính quyền ở các địa phương đang tìm cách đẩy khoản nợ công ở địa phương mình lên cho trung ương, và đây được xem là một hiểm họa khôn lường.
Việc Bắc Kinh bắt tay vào điều tra nợ công ở các tỉnh đang vừa đe dọa đến chức vụ của các nhà lãnh đạo địa phương, lại vừa đe dọa phanh phui khoản nợ công khổng lồ ở đây và từ đó buộc các địa phương phải thắt lưng buộc bụng để thanh toán dần khoản nợ.
Vì thế, bằng cách đề xuất ngân sách cho các dự án ảo, các quan chức địa phương đang bắt chính phủ ở Bắc Kinh phải gánh bớt một phần khoản nợ công ở các tỉnh, theo đó chính Bắc Kinh đang phải móc hầu bao ra thanh toán bớt nợ công cho các địa phương mà không hề hay biết.
Và nếu như từ trước đến nay các học giả Trung Quốc vẫn cho rằng việc cho phép báo cáo khống thành tích là điều bình thường miễn là trong giới hạn cho phép, để tô hồng tình hình phát triển của đất nước, thì rõ ràng giờ đây nó đã không còn đơn giản như thế nữa. Việc cho phép các địa phương khai khống thành tích cũng đồng nghĩa với việc cho phép họ khai khống để bóp nặn tiền của trung ương, một khi họ cảm thấy cần thiết.
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Reuters