1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sự cố nứt cầu hy hữu thế giới: Bộ trưởng nói không dùng ngân sách để sửa

(Dân trí) - Về sự cố nứt dầm từng được các chuyên gia đánh là hy hữu trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi xảy ra sự cố kỹ thuật, Chính phủ Úc sử dụng tiền viện trợ còn lại tiếp tục hỗ trợ cho dự án. Do đó, chúng ta hoàn toàn không phải dùng ngân sách để khắc phục sự cố.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải trả lời đại biểu Quốc hội về sự cố nứt cầu hy hữu tại cầu Vàm Cống.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải trả lời đại biểu Quốc hội về sự cố nứt cầu hy hữu tại cầu Vàm Cống.

Tại phiên chất vấn ngày 1/11, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về cầu Vàm Cống, trong đó có một vài yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến chất lượng của cầu.

"Bộ trưởng có nêu một ý là thuê tư vấn nước ngoài để thẩm tra đánh giá lại những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thì tôi xin hỏi Bộ trưởng nếu thuê tư vấn như thế thì chi phí thuê tư vấn đó ai sẽ trả? Đưa ra 2 phương án xử lý sự cố này, số tiền rất lớn, chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố đó, cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm", Đại biểu đặt câu hỏi.

ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang) cũng đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải thông tin thêm về tình hình "sức khỏe" của cây cầu Vàm Cống đến đâu và khi nào cây cầu này có thể được thông xe.

Trả lời tranh luận của ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về kinh phí thuê tư vấn thẩm tra, sửa cầu Vàm Vống, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, cầu Vàm Cống là dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, hết sức quan trọng. Chính phủ Úc đã tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam 100 triệu USD để phát triển cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tài trợ không hoàn lại cho công tác tư vấn.

Khi xảy ra sự cố kỹ thuật, Chính phủ Úc đã sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại tiếp tục hỗ trợ cho dự án bằng cách chi trả tiền thuê tư vấn để thẩm tra phương án sửa chữa, đồng thời hỗ trợ kinh phí không hoàn lại để tiếp tục kiểm định toàn bộ cầu sau khi chúng ta sửa chữa xong.

Riêng chi phí sửa chữa đang sử dụng 2 nguồn. Nguồn thứ nhất của nhà thầu Hàn Quốc, vì nguồn vốn này chúng ta đấu thầu quốc tế và nhà thầu Hàn Quốc trúng thầu. Nguồn thứ hai là bảo hiểm quốc tế, khi nhà thầu mua bảo hiểm quốc tế.

"Chúng tôi sử dụng 2 nguồn này để thực hiện chi phí sửa chữa cầu, do đó toàn bộ quá trình tư vấn sữa chữa, kiểm định cầu hoàn toàn không sử dụng ngân sách Việt Nam mà sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại cũng như chi phí trách nhiệm nhà thầu và bảo hiểm quốc tế”, Bộ trưởng nói.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng thông tin cụ thể về dự án này. Ông cho biết, dự án sử dụng vốn vay của Hàn Quốc, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đều là các đơn vị nước ngoài. Thời gian vừa qua khi tiến hành xây dựng cầu Vàm Cống trong quá trình hoàn chỉnh công trình phát hiện một vài yếu tố kỹ thuật liên quan đến chất lượng công trình.

"Sau khi báo cáo và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã tổ chức đấu thầu quốc tế để xem xét đánh giá nguyên nhân. Sau khi đã có nguyên nhân cụ thể Bộ Giao thông vận tải đã trình Hội đồng nghiệm thu nhà nước về các phương án xử lý", Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, hiện nay tư vấn nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc đang thực hiện công tác sửa chữa, theo kế hoạch thì cuối năm 2018 dự án này sẽ hoàn thành.

"Tuy nhiên, đây là dự án hết sức quan trọng, đặc biệt có yếu tố kỹ thuật cao, do đó chúng tôi đang đấu thầu tư vấn để sau khi nhà thầu sửa chữa xong sẽ kiểm định chất lượng toàn cây cầu để đảm bảo cầu Vàm Cống sẽ đưa vào vận hành đúng các yêu cầu kỹ thuật", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, theo lộ trình thì đầu năm 2019 tư vấn kiểm định sẽ tiến hành kiểm định toàn cầu và hy vọng rằng khoảng tháng 6/2019 sẽ tổ chức khánh thành cầu Vàm Cống, đồng thời với đường cao tốc từ Vàm Cống đến Rạch Giá của Kiên Giang.

Phương Dung

Sự cố nứt cầu hy hữu thế giới: Bộ trưởng nói không dùng ngân sách để sửa - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm