Sự “bất thường” của CPI tháng 4

“Bản thân chúng tôi, trong cuộc họp cuối tháng trước cũng không dự báo được mức tăng thấp thế, dù rằng CPI cũng đang trong xu hướng tăng thấp dần”, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ - Giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng nói.

Sự “bất thường” của CPI tháng 4 - 1
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu đến đời sống người dân đã giảm khá mạnh

Nhiều chuyên gia tỏ ra khá bất ngờ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2010 được công bố chỉ tăng 0,14% so với tháng trước.

Lực kéo chủ yếu từ giá lương thực, thực phẩm

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tháng 3, thật khó tin rằng CPI tháng 4 lại tăng thấp như thế này?

Còn nhớ khi hết tháng 3, chúng tôi dự báo CPI tháng 4 sẽ tăng cao hơn chứ không ở mức này, khoảng 0,3% đến 0,4%. Nhưng sau khi có số liệu giữa kỳ thì thấy giá xuống, đặc biệt giá lương thực, thực phẩm xuống rất nhiều. Do hai nhóm này có quyền số rất lớn, nên có tác dụng kéo chỉ số giá xuống.

Mặc dù trong tháng vừa rồi, có nhiều mặt hàng tăng giá như thép, vật liệu xây dựng…, nói chung là những gì liên quan về nhà cửa là tăng khá cao. Nhưng do quyền số nhóm này cũng không nhiều nên không đủ đẩy chỉ số giá tăng lên.

Tóm lại, trong tháng vừa rồi, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đến đời sống người dân đã giảm khá mạnh. Ví dụ như lương thực giảm rất lớn trên phạm vi gần như cả nước, thực phẩm cũng giảm lớn.

Riêng ăn uống ngoài gia đình tháng này lại tăng, điều này hơi khác một tí. Khi lương thực, thực phẩm là nguyên liệu cho dịch vụ này giảm thì đáng lý phải giảm, nhưng nó lại tăng. Có lẽ cũng theo xu hướng tăng chung của dịch vụ, vì lý do chi phí nhân công tăng, rồi điện, nước cũng lên…

Có ý kiến cho rằng CPI tháng 4 tăng thấp hơn tháng 3 có nguyên nhân năm âm lịch trước đó nhuận nên chu kỳ liên quan đến Tết Nguyên đán bị đẩy lùi 1 tháng. Vậy những năm sau năm nhuận âm lịch 1995, 1998, 2001, 2003, 2006 có hiện tượng tương tự không?

Đến tháng sau Tết, mọi người dường như mới nhớ là năm ngoái có tháng nhuận. Tôi không nghĩ là năm nhuận tạo nên xu hướng như thế, nhưng rõ rệt là trong các tháng 4-5-6-7, CPI thường có xu hướng khá ổn định.

Tăng thấp cũng chưa thể lạc quan

Ông có nói nguyên nhân CPI tăng thấp chủ yếu là do lương thực, thực phẩm “kéo” xuống. Có liên quan đến yếu tố mùa vụ thu hoạch lúa ở đây không?

Hiện nay, xuất khẩu gạo chậm, giá thế giới cũng thấp, nên một số nơi ứ đọng. Giá gạo trong Nam và ngoài Bắc cùng thấp. Tháng 4, một số tỉnh thậm chí CPI giảm như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… Như An Giang là một tỉnh lớn, nhưng CPI tháng 4 cũng âm.

Theo thông tin một số tỉnh báo cáo về, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, là nhóm hàng khó quản lý nhất, tình hình tương đối ổn định. Còn giá xăng dầu, Chính phủ đã cam kết không tăng. Hiệp hội Thép cho biết, tháng 4 giá thép đã dịu dần…

Chúng tôi theo dõi thì nhóm 1 (lương thực, thực phẩm) nếu ổn sẽ giữ được chỉ số giá, vì trọng số nhóm này lớn.

Việc CPI tháng 4 “chốt” ở mức 0,14% liệu có phải là một tín hiệu lạc quan cho lạm phát năm nay?

Nhiều người nghĩ rằng tháng này, CPI tăng 0,14% thì là tín hiệu lạc quan, tôi cho rằng cũng không hẳn thế.

Trong 4 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng CPI đã tăng 1,06%. Con số này cũng là mức tăng cao so với những năm bình thường trước đó. Nếu so với cùng kỳ, CPI tháng 4 năm nay đã tăng hơn 9% rồi.

Để CPI chỉ tăng khoảng 7% như mục tiêu trong năm nay, chúng tôi tính rằng mỗi tháng còn lại, chỉ số giá chỉ được tăng bình quân 0,32%. Với mức này, các tháng quý 2, 3 thì còn có thể giữ được, quý 4 sẽ rất khó khăn.

Cũng cần lưu ý, giá điện sẽ không tăng nữa, than cho hộ lớn cũng sẽ thôi không tăng, xăng dầu thì sẽ dùng quỹ bình ổn… Nghĩa là tất cả những việc có thể làm được để kìm giá tiêu dùng thì Chính phủ đã làm rồi.

Nhưng, chỉ cần có một trận bão, lụt gì đó ở miền Trung, gạo miền Nam không ra Bắc được thì giá sẽ “vống” lên ngay. Nhất là với những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… tăng giá ở đấy sẽ ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá cả nước.

TheoAnh Quân
VnEconomy