1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Strauss-Kahn có phải là "cứu tinh" của IMF?

(Dân trí) - Ngày 28/9, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bỏ phiếu bầu ông Dominique Strauss-Kahn, cựu Bộ trưởng tài chính Pháp, vào vị trí Giám đốc điều hành IMF. Động thái này được giới phân tích nhận định là nhằm khôi phục uy tín đang bị mai một của thể chế tài chính đa phương này trong những năm gần đây.

Strauss-Kahn là người Pháp thứ 4 giữ vị trí đứng đầu IMF kể từ khi tổ chức tài chính này thành lập vào năm 1944. Ông sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ mới, nhiệm kỳ 5 năm, từ ngày 1/11/2007, thay thế người tiền nhiệm là cựu Bộ trưởng tài chính Tây Ban Nha Rodrigo Rato.

 

Strauss-Kahn là ai?

 

Ông Strauss-Kahn, 58 tuổi, là Giáo sư kinh tế, từng làm giảng viên đại học và kinh qua nhiều cương vị quan trọng trong chính phủ khi đảng Xã hội Pháp cầm quyền. Ông được đánh giá là người giàu nghị lực, thực tế, nhiều kinh nghiệm, có khả năng ngoại giao và quen biết rộng.

 

Phát biểu sau khi được bầu, tân Giám đốc điều hành IMF cam kết sẽ cải cách không ngừng để IMF ổn định về tài chính, góp phần phục vụ cộng đồng quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Ông cũng cam kết sẽ là "một người xây dựng sự đồng thuận" trong tổ chức tài chính có 185 nước thành viên này.

 

Đương kim Giám đốc điều hành IMF, ông Rato, đã hoan nghênh quyết định của Hội đồng quản trị và cho rằng ông Strauss-Kahn là người có thể dẫn dắt IMF thành công trong thời điểm chuyển giao quan trọng hiện nay.

 

Thách thức

 

Dù Strauss-Kahn là một nhà kinh tế được đào tạo bài bản, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn băn khoăn không biết liệu ông có thể đảm đương được trọng trách này không, đặc biệt là trong bối cảnh IMF đang phải đối mặt với những thách thức được cho là chưa từng có kể từ khi tổ chức này được thành lập.

 

Hiện nay, IMF phải đảm bảo sự giám sát về tiền tệ và tài chính một cách cân bằng giữa các nước giàu và các nước nghèo; tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách đã cam kết nhằm tăng tiếng nói cho các nước đang phát triển trong IMF; và phải đảm bảo các nguồn thu nhập bền vững hơn so với các nguồn thu từ lãi suất cho vay hiện nay.

 

Đây là điều không dễ, vì trong nhiều năm qua, IMF đã thiếu sự lãnh đạo hiệu quả, một phần bởi sự biến động liên tục trong hàng ngũ lãnh đạo. Ông Rato đã quyết định rời bỏ cương vị Giám đốc IMF chỉ sau 3 năm nắm quyền vì những "lí do cá nhân". Trước đó, ông Horst Kohler cũng đã từ bỏ vị trí này trước khi kết thúc nhiệm kỳ để trở thành Tổng thống Đức.

 

Chính sự "lãnh đạo yếu" đã tạo ra những vấn đề lớn của IMF, tính hợp pháp của tổ chức này ngày càng bị chỉ trích. Các nền kinh tế mới nổi có cảm giác đang ở "chiếu dưới" trong thể chế tài chính mà châu Âu và Mỹ nắm quyền thống trị.

 

Tại một hội nghị toàn thể gần đây ở Singapore, IMF đứng trước sức ép phải tăng mức độ ảnh hưởng của các nước nghèo và đang phát triển trong ban giám đốc điều hành IMF.

 

Đáng lo ngại hơn là đang có một dấu hỏi lớn về sự tồn tại của chính thể chế tài chính khổng lồ này. Là một tổ chức chuyên cho vay, nên ảnh hưởng của IMF đối với các nước giàu là rất hạn chế, trong khi đó, ảnh hưởng đối với các nước nghèo và đang phát triển lại ngày một giảm.

 

Nguyên do một phần bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 10 năm trước. Khi đó, IMF đóng vai trò là một "lính cứu hỏa" trong lĩnh vực tài chính thế giới. Tuy nhiên, chính sách cho vay của IMF khi đó đã khiến nhiều nước "oán hận", trong khi những nước khác nhìn vào "tấm gương" đó để rút kinh nghiệm cho riêng mình.

 

Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, một số khách hàng của IMF thay vì tìm đến tổ chức này đã chuyển sang hỏi vay Trung Quốc - hành động khiến sứ mệnh của IMF tại những quốc gia này trở nên thừa thãi và dẫn tới việc giảm phúc lợi tài chính từ hoạt động cho vay.

 

Ngoài ra, việc có hàng loạt định chế tài chính khu vực nổi lên trong thời gian gần đây đã tăng thêm thách thức cho IMF.

 

Trong khi đó, chương trình cải cách của IMF đã được Giám đốc đương nhiệm Rato đề xuất từ 2 năm trước, nhằm điều chỉnh nhiệm vụ của tổ chức 63 tuổi này cho phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, nhưng hiện chưa đem lại kết quả rõ rệt ngoài việc trước mắt tăng lợi ích cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico.

 

Giới phân tích cho rằng ông Strauss-Kahn không phải là không biết những thách thức này. Phát biểu tại một cuộc họp của ban giám đốc IMF trong thời gian gần đây, ông đã nói: "Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả chúng ta khi phải khôi phục lại phương thức và nguyên tắc hoạt động của tổ chức. Nhưng tôi đã sẵn sàng làm việc đó và tôi đề nghị các ngài cũng có sự chuẩn bị".

 

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng nhận thức được là một chuyện, còn việc ông Strauss-Kahn có vượt qua được những thách thức trên hay không lại là chuyện khác, đặc biệt là trong tình cảnh "trên đe dưới búa" - IMF một mặt phải phục vụ lợi ích của các nước giàu, một mặt phải đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng của các nước đang phát triển.

 

Kiến Văn