Stephen Schwarzman, ông vua mới của Wall Street

Trong tháng 2 vừa qua, với một giao dịch “làm nên lịch sử” trên thị trường chứng khoán New York và một buổi tiệc sinh nhật khiến cho các tờ báo phải tốn nhiều giấy mực, Stephen Schwarzman đã trở thành biểu tượng của một thời kỳ mới trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán ở Mỹ.

Ông đã được tạp chí Fortune gọi là “Ông vua mới của phố Wall”…

Trong khoảng ba thập niên qua, cùng với sự thăng trầm của thị trường chứng khoán Mỹ, hình ảnh của những nhà môi giới chứng khoán cũng có nhiều thay đổi. Vào thập niên 1980, các nhà môi giới của Wall Street mang dây đeo quần màu đỏ, đi ăn ở nhà hàng Le Cirque, kiếm tiền chủ yếu từ việc mua bán trái phiếu.

Một thập niên sau, họ mặc áo thun và chơi banh bàn suốt ngày ở các công ty đầu tư mạo hiểm nằm dọc theo con phố Sand Hill ở thung lũng Silicon nhưng vẫn kiếm được bạc tỉ nhờ cơn sốt chứng khoán công nghệ.

Nhưng nay thì Wall Street, cái nôi của thị trường chứng khoán New York, gần như đang bị thống lĩnh bởi những “tay chơi có tầm vóc” mới nổi lên. Họ xuất hiện thường xuyên vào mỗi thứ Hai ở phố Park Avenue, nơi đặt trụ sở Blackstone Group, một quỹ đầu tư chứng khoán hàng đầu ở Mỹ.

Mặc áo sơ-mi trắng, áo vét sọc nhỏ vốn là hình ảnh đặc trưng của dân tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard, các tay môi giới của Blackstone nay đã lĩnh hội khá tốt những kỹ năng, kinh nghiệm của những người đi trước. Nhưng điều làm cho họ khác biệt với những người đi trước là họ đang thống lĩnh thị trường cổ phiếu vốn được xem là xương sống của nền kinh tế Mỹ trong thập niên này.

Đứng đầu Blackstone là Stephen Schwarzman, năm nay 60 tuổi, đang được xem là “nhân vật hàng đầu của phố Wall”. Năm 1985, Schwarzman thành lập Blackstone với chỉ hai hội viên và hai trợ lý. Đến nay Blackstone đã có 52 hội viên và 750 nhân viên, nắm quyền kiểm soát 47 công ty, đạt doanh thu hơn 85 tỉ đô la Mỹ từ nhiều mảng kinh doanh khác nhau.

Bất chấp sự thăng trầm của thị trường, hoạt động kinh doanh của Stephen Schwarzman gần như thắng nhiều hơn bại. Chẳng hạn năm 2004, Blackstone mua Công ty Hóa chất Celanese khi các nhà đầu tư quay lưng với nó; sau đó Schwarzman nhanh chóng đưa nó lên sàn. Mua Celanese ở Đức nhưng Schwarzman lại phát hành cổ phiếu của Celanese ở Mỹ, nơi các công ty hóa chất được ưa chuộng hơn, và thực tế đã thu lãi rất lớn.

Giới quan sát dự đoán lợi nhuận hàng năm của các quỹ đầu tư và kinh doanh bất động sản của Blackstone Group là không dưới 30% trong suốt năm năm qua. Nay thì Blackstone đang huy động 20 tỉ đô la cho các quỹ đầu tư và 10 tỉ đô la cho kinh doanh bất động sản và xếp hàng đầu trong số các cổ đông sẵn sàng đổ tiền vào, là ngân hàng Bank of America - một tổ chức tài chính có tài sản gấp bốn lần Blackstone.

Nhưng sự kiện xảy ra vào ngày thứ Hai, 19/2 vừa qua, mới thật sự làm cho Schwarzman trở thành nhân vật nổi tiếng. Đó chỉ là một cuộc họp hàng tuần ở Blackstone như bao cuộc họp khác; bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút, bàn về thị trường cổ phiếu, tiếp theo là mảng bất động sản: 10 giờ 30, các quỹ bảo hiểm rủi ro: 2 giờ chiều, và kết thúc là mảng quản lý nợ lúc 4 giờ.

“Chúng tôi phải đi vào xem xét tình hình của từng khách hàng, từng giao dịch. Chúng tôi không hề có thời gian để nghỉ trưa”, Schwarzman thổ lộ. Nhưng chính tại cuộc họp này, Schwarzman và các cộng sự của mình đã quyết định mua lại Equity Office Properties với giá 39 tỉ đô la Mỹ sau hai lần nâng giá, tạo nên một kỷ lục về mua bán công ty.

“Giao dịch này không chỉ tạo ra sự khác biệt cho Blackstone mà còn mang ý nghĩa mở rộng nhãn hiệu của công ty này ra nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, các quỹ bảo hiểm tổn thất, các quỹ đầu tư vào từng quốc gia chuyên biệt”, James Lee Jr., Phó chủ tịch của J.P. Morgan Chase, ngân hàng “ruột” của Blackstone, nhận định.

Khi những tài năng quý hiếm nhất của Wall Street đều tập trung dưới mái nhà của Blackstone, quả thật Schwarzman đã trở thành người cầm trịch thị trường chứng khoán của Mỹ. Ông hầu như chưa bao giờ bỏ lỡ một cuộc họp vào mỗi thứ Hai. Ngay cả khi đang đi nghỉ ở Pháp, ông cũng gọi điện về văn phòng để họp. Khi các giám đốc điều hành khác đi công tác xa, ông tiến hành họp với họ qua hệ thống video-conference.

Trong các cuộc họp như vậy, các hội viên thường ngồi xung quanh một chiếc bàn có 20 chỗ, còn các cộng sự ít thâm niên hơn và những người mới gia nhập công ty thường đứng ở sát tường. Tinh thần của cuộc họp là tôn trọng những người tài và thường đi ngay vào các vấn đề, kết luận chính.

“Khi tham gia các cuộc họp, mọi người phải bắt đầu bằng việc đưa ra các kết luận bởi vì chúng tôi có rất nhiều chuyện phải bàn”, Mark Gallogly, người từng điều hành mảng cổ phiếu của Blackstone trước khi rời công ty này vào năm 2005 để thành lập công ty riêng mang tên Centerbridge Partners, nói.

Schwarzman, hiện có tài sản cá nhân lên đến trên 3 tỉ đô la Mỹ, là người ít nói và không hay la lối nhân viên mặc dù ông đang giữ cương vị là người đứng đầu một công ty “nóng” nhất của phố Wall. Người ta thường nhìn những người giữ những vị trí này là những ông chủ “dữ dằn”, luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi rất cao cho các nhân viên.

“Nếu tôi có nổi giận thì điều đó là hiển nhiên. Nhưng tôi không muốn nói nhiều”, Schwarzman nói. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các nhân viên của Blackstone cảm thấy dễ thở. Họ luôn đứng trước áp lực phải đạt được thành công và những kỳ vọng, mong đợi “ngầm” từ sếp của mình. “Đó là điều mà Steve đã có thể tạo ra trong môi trường làm việc của Blackstone”, Gallogly nói.

Tuy không phải là người hay la lối người khác khi làm việc, nhưng Schwarzman lại là người khá thích làm những chuyện nổi đình nổi đám để gây chú ý. Bằng chứng là việc ông tổ chức buổi tiệc sinh nhật lần thứ 60 của mình vào ngày 13/2 vừa qua.

Buổi tiệc được tổ chức khá tưng bừng ở Park Avenue Armony, cách căn hộ trị giá 30 triệu đô la Mỹ của Schwarzman vài tòa nhà, với chi phí lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Buổi tiệc còn quy tụ hàng trăm người bạn thân thiết nhất của Schwarzman, có sự xuất hiện và trình diễn của các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ như Rod Steward và Patti LaBella.

Người đứng ra tổ chức buổi tiệc sinh nhật thứ 60 cho Schwarzman chính là phu nhân của ông, Christine, một luật sư về tài sản trí tuệ.

Theo Văn Nhật
TBKTSG/ Fortune