Startup trẻ tiên phong trong cuộc chiến bảo về bản quyền Audiobook
(Dân trí) - Nhu cầu sách nói của người Việt bắt đầu tăng trưởng đáng kể từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, điều đáng buồn là đằng sau sự tăng trưởng đó là những mô hình kinh doanh vi phạm bản quyền tràn lan, làm nản lòng những doanh nghiệp làm sách giấy muốn chuyển sang các định dạng điện tử.
Trong bối cảnh đó, một startup trẻ đã mạo hiểm dấn thân vào thị trường sách nói với định hướng 100% bản quyền. Đó là một bước đi tuy chậm mà chắc để tạo dựng văn hóa sách văn minh cho cộng đồng trong thời đại 4.0.
Sau đây là chia sẻ của anh Trần Ngọc Thái – founder của Công ty CP Công nghệ WeWe, chủ quản ứng dụng Sách nói & Podcast VoizFM.
Động lực nào khiến Thái quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực sách nói?
Thật ra mình đã biết đến sách nói từ hồi sinh viên và thường thường tranh thủ thời gian di chuyển để nghe sách nói. Nhờ nghe sách mỗi ngày, mình tiếp thu được rất nhiều kiến thức mới mẻ và có góc nhìn đa chiều hơn mà kiến thức ở giảng đường đại học không thể nào bao quát hết. Cũng chính vì thế, đến năm thứ 3 đại học, trong lúc bạn bè vẫn còn đang loay hoay tìm chỗ thực tập hoặc định hướng lại nghề nghiệp tương lai, mình đã xác định được hướng đi của mình và có công việc với mức lương khá dư dả để trang trải cho cuộc sống sinh viên.
Khi đó, mình nhận ra rằng sách nói thật sự là một công cụ tiện lợi và hữu ích để trau dồi kiến thức và định hướng thành công của các bạn trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, sách nói khi ấy chưa phổ biến và chưa được đầu tư bài bản, đa phần sách nói trên mạng là những tệp âm thanh được người đọc tự ghi âm lại và chia sẻ miễn phí trên các diễn đàn nên chất lượng âm thanh kém và thường không có bản quyền.
Với mong muốn các bạn trẻ sẽ được tiếp cận hình thức nghe sách chính thống và chất lượng, đồng thời thấy được tiềm năng phát triển của sách nói trong tương lai, năm 2011, mình đã chia sẻ ý định khởi nghiệp này với bạn bè, người thân người xung quanh, thậm chí liên hệ với cả NXB, nhưng đa phần đều nhận lại những cái lắc đầu từ chối. Lý do là vì khi ấy sách nói chưa phổ biến và không thể mạo hiểm đầu tư vào một sản phẩm chưa chắc có thể mang lại lợi nhuận.
Đến năm 2018, sau khi du học thạc sĩ và khởi nghiệp một số công ty khác đã đi vào vận hành ổn định, đồng thời nhận thấy thời điểm chín muồi của sách nói đã đến, Thái đã quyết định thực hiện giấc mơ ban đầu và thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ WeWe – với sản phẩm là Ứng dụng Sách nói & Podcast Bản quyền Voiz FM vừa được ra mắt vào 1/9/2019 vừa rồi.
Ứng dụng Voiz FM có điểm gì đặc biệt so với các ứng dụng trên thị trường?
Voiz FM tự tin là một hệ sinh thái Sách nói & Podcast chuyên nghiệp nhất tại thời điểm hiện tại, với chính sách chia sẻ doanh thu rõ ràng, minh bạch và có lợi cho NXB cũng như tác giả, VoizFM đã nhận được sự tin tưởng của nhiều NXB và tác giả để đồng hành toàn diện.
Ngoài ra, Voiz FM còn sở hữu cộng đồng voice talent (narrator) với giọng đọc đa dạng và hiện tại đang phát triển sang hướng AI Voice để có thể sản xuất số lượng nội dung lớn trong thời gian ngắn nhất.
Hiện tại Thái đã kêu gọi được nhà đầu tư chưa?
Trong thời gian đầu, vốn đều đến từ Thái và các đồng sáng lập khác. Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển của thị trường auditory (công nghệ thông tin qua âm thanh) nói chung và sách nói nói riêng, rất nhiều quỹ đầu tư ngỏ ý hợp tác cùng Voiz FM. Hiện tại, Voiz FM đã gọi được vốn vòng đầu tiên và đang chuẩn bị kế hoạch để gọi vốn vòng tiếp theo trong đầu năm 2020.
Thái có thể chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển VoizFM ở thời điểm hiện tại không?
Hiện tại, Voiz FM đang trong giai đoạn xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm để chuẩn bị cho sự bùng nổ trong năm 2020. Ngoài ra, Công ty WeWe cũng đang thử nghiệm một mô hình kinh doanh khác để phù hợp hơn với thói quen thanh toán của người Việt, sẽ được bật mí sớm.
Còn về mặt công nghệ, hiện tại WeWe đang dần hoàn thiện công nghệ giọng đọc trí tuệ nhân tạo (AI voice). Đây là công nghệ do đội ngũ nhân viên của WeWe sáng tạo nên, chắc chắn sẽ tạo đột phá tối ưu cho quá trình sản xuất sách nói, và biết đâu, là cả podcast trong tương lai.