“Sốt” tiền lẻ đầu năm, chợ đen ra sức hét giá
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp năm hết tết đến, vấn đề tiền lẻ và đổi tiền lẻ để đi lễ chùa, mừng tuổi lại sôi động. Nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới càng nóng hơn khi Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thông tin không in tiền có mệnh giá nhỏ.
Trước thông tin trên, nhiều người cho rằng đây là cơ hội tạo nên một cơn sốt giả tiền lẻ để kiếm lời của giới buôn tiền mệnh giá nhỏ.
Đã thành thông lệ, mỗi năm cứ vào dịp Tết âm lịch, nhu cầu tiền mặt lại tăng mạnh, trong đó phải kể đến loại tiền mệnh giá nhỏ để lì xì hoặc đi lễ chùa. Chính vì thế, hầu như năm nào thị trường đổi tiền lẻ cũng nóng lên dịp cuối năm. Năm nay, theo thông tin chính thức từ NHNN, đơn vị này sẽ cung ứng đủ tiền lẻ để phục vụ như cầu của người dân, vì thế không in thêm tiền lẻ mệnh giá 500 đồng.
Sau khi thông tin trên được NHNN phát đi, nhiều người lo ngại rằng thị trường tiền lẻ năm nay sẽ "sốt xình xịch". Mặc dù còn 2 tuần nữa mới đến Tết, nhưng tại một số điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội mà chúng tôi tiếp cận, hầu hết các nhân viên đều than thiếu tiền lẻ nếu như khách muốn đổi tiền.
Chị Nguyễn Tú Anh (nhân viên ngân hàng Vietcombank) cho biết, năm nay thị trường tiền lẻ có phần khan hơn những năm trước. Chị Tú Anh bật mí thêm, NHNN vừa có quy định bằng văn bản gửi các ngân hàng, yêu cầu nhân viên trong và ngoài hệ thống không được phân phát tiền lẻ, tiền mới ra ngoài nhằm trục lợi cá nhân mà phải tập trung xuất tiền để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, có một thực tế là không phải khách hàng nào cũng đổi được tiền lẻ từ ngân hàng, thường thì phải là khách hàng VIP hoặc thân quen thì mới mong đổi được. Chính vì thế, đây là dịp thị trường tiền lẻ chợ đen sôi động hơn hẳn, giá chợ đen cũng được đội lên nhanh chóng.
Tại Hà Nội, thị trường tiền lẻ phục vụ lễ chùa, lì xì đang nóng dần lên, khi các nhà buôn chuyên nghiệp đua nhau hét giá cao, chi phí đổi có nơi lên tới 50 - 60%. Trong vai người có nhu cầu đổi tiền lẻ, chúng tôi có mặt tại một số "điểm nóng" về đổi tiền lẻ của Thủ đô như phố Đinh Lễ, Hà Trung (Q. Hoàn Kiếm), giá hiện tại là "10 ăn 7" (100 nghìn lấy về 70 nghìn). Một nhà buôn cho biết, giá đó là hữu nghị lắm rồi, nếu để thêm mấy hôm nữa tỷ lệ ăn chia còn cao hơn nhiều, sẽ nằm trong mức 50% (100 ăn 50).
Thông tin dừng in tiền mệnh giá 500 đồng của NHNN đã khiến cho loại tiền này trở thành hàng "hot", mặc dù trên thực tế loại tiền này vẫn rất nhiều. Cô Nguyễn Thị Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, năm nay đổi tiền 500 đồng rất khó, tỷ lệ 50/50 mà vẫn hiếm. Cô Trang nghi ngờ các nhà buôn cố tình "găm" loại tiền mệnh giá này và vin vào cớ NHNN không in thêm để hét giá, bắt chẹt người đổi tiền.
Đến ngân hàng thì khó đổi tiền lẻ hoặc chỉ đổi được rất ít trong khi ngoài chợ đen các loại tiền mệnh giá nhỏ vẫn đầy rẫy trong túi các tay buôn đã khiến nhiều người dân bức xúc. "Năm nào cũng thế, mình hay đi đổi tiền lẻ cho mấy chị em trong phòng, nhưng năm nay xem ra khó khăn hơn rất nhiều. Cho đến hôm nay vẫn chưa đổi được mấy. Vào ngân hàng mà không có "quan hệ" thì không đổi được, mà ra chợ đen thì giá quá "chát". Tình hình này mấy hôm nữa mức phí lại được đẩy cao hơn", chị Nguyễn Thị Phương (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết.
In nhiều tiền lẻ sẽ lãng phí
Không thể phủ nhận việc dùng tiền lẻ để lễ chùa, lì xì là tập tục truyền thống lâu năm của người Việt, tuy nhiên tập tục đó đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức. Có nhiều người đầu năm lên chùa thay vì công đức để xây dựng, ủng hộ thì lại rải tiền khắp nơi. Những hình ảnh mà báo chí ghi nhận được như tiền lẻ rải đầy cổng chùa, hồ nước trong chùa, chân tay tượng phật, gốc cây... trông rất phản cảm.
Vì thế, việc NHNN quyết định không in tiền lẻ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ cũng được nhiều người ủng hộ. Theo các chuyên gia kinh tế, việc sử dụng tiền có mệnh giá thấp dưới 2000 đồng hiện nay chủ yếu được dùng vào lễ chùa mà ít khi đưa vào lưu thông, thanh toán.
Trao đổi với PV, chuyên gia xã hội học, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc đi lễ chùa hiện nay đang bị méo mó, xấu đi rất nhiều. Nhiều người đi lễ chùa theo phong trào chứ không phải vì thành tâm, đến chùa gặp chỗ nào cũng đặt tiền lẻ, mặc dù chùa nào cũng có hòm công đức, có biển cấm rải tiền lẻ.
"Không phủ nhận truyền thống đi lễ chùa của người Việt vào đầu năm, nhưng người dân cũng nên tỉnh táo hơn, hành động theo cái tâm chứ đừng vì theo phong trào. Đổ xô đi đổi, mà thực chất là đem tiền thật để mua "tiền" không có giá trị về thanh toán thì chỉ làm giàu cho những người buôn tiền mà thôi", TS. Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Dưới góc độ kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, in tiền lẻ sẽ tốn khá nhiều chi phí của ngân sách Nhà nước, trong khi đó tiền mệnh giá nhỏ hầu như không có giá trị về mặt thanh toán. TS. Phong phân tích, chi phí để in một tờ tiền 200 đồng cũng ngang với chi phí để in tờ tiền 5000 đồng. Nhưng khi đem ra lưu thông, tờ tiền 5000 đồng có giá trị gấp 25 lần so với tờ tiền 200 đồng.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Minh Phong, ông Nguyễn Chí Thành, cục trưởng Cục phát hành kho quỹ (NHNN) cho biết, chi phí in tiền lẻ tốn kém hơn nhiều so với tiền có mệnh giá lớn. Trong khi đó, tác dụng thực sự của tiền lẻ loại mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng chủ yếu là đi lễ chùa, chứ không đưa vào lưu thông. Vì thế, nếu in thêm loại tiền mệnh giá này sẽ rất lãng phí.
Ở một khía cạnh khác, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, vấn đề tiền lẻ đi lễ chùa, mừng tuổi chúng ta cần tính đến tính lịch sử, truyền thống tập tục này của người Việt trong ngày Tết. Tuy nhiên, trước đây chúng ta trả lương trực tiếp là chủ yếu nên qua đó ngân hàng đưa tiền lẻ cho người lĩnh lương để thuận tiện hơn so với việc phải đi đổi tiền lẻ. Nhưng thời gian gần đây, chúng ta hầu hết trả lương qua tài khoản. Do vậy những đồng tiền lẻ mà ngân hàng muốn đưa đến cho người dân bị "tắc", vì thế mới phát sinh dịch vụ đổi tiền lẻ, buôn tiền lẻ.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trong kho ngân quỹ của NHNN không thiếu tiền lẻ, tiền mệnh giá dưới 2000 đồng. Nhưng vì không trả lương qua thẻ nên ngân hàng không biết làm cách nào để chuyển tiền này đến cho người dân được. Mà người dân đến ngân hàng đổi tiền cũng rất phức tạp, nhân viên ngân hàng không thể dành thời gian làm việc chỉ để phục vụ cho việc đổi tiền lẻ được.
Về khía cạnh kinh tế, chuyên gia Nguyễn Minh Phong đồng tình chủ trương của NHNN trong việc không in thêm tiền lẻ để phục vụ Tết. Bởi lẽ, theo phân tích của TS. Phong, không nên khuyến khích in tiền lẻ nhiều chỉ để phục vụ một mục tiêu không thực tế là đi lễ chùa như thời gian qua. Ngay cả hiện nay, nếu in ra thì phải làm gì với số tiền đó, chả lẽ mang đi bán hoặc mang đi phát?
"Cơ chế trả lương hiện nay không phù hợp với tiền lẻ, vì đều trả qua tài khoản. Mặt khác, cũng cần thông tin cho người dân biết, nên có nhiều bài tuyên truyền để giảm bớt việc đó, thay vì rải 20 nghìn tiền lẻ thì nên dùng số tiền đó bỏ vào hòm công đức. Điều này vừa có lợi cho nhà chùa lại vừa hạn chế được cảnh nhếch nhác khi rải tiền bừa bãi nơi tôn nghiêm. Rải tiền lẻ như hiện nay chả khác gì lừa Phật, bố thí mỗi nơi một tý, vừa mất tiền vừa rất phản cảm. Tiền đó là để cúng chùa chứ không phải để hối lộ Phật", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Đừng biến mình thành miếng mồi cho dân buôn tiền lẻ
Trước thực tế có rất nhiều người dân đến chùa thay vì công đức mà lại dùng tiền lẻ để rải "lung tung" trong chùa. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần cảnh tỉnh người dân, không nên "chiều chuộng" quá mức nhu cầu thiếu thực tế của người dân trong việc dùng tiền lẻ để rải khi đi lễ chùa. "Ngay cả nhà Phật người ta cũng không khuyến khích việc phật tử dùng tiền lẻ rải trong chùa, vừa mất mỹ quan vừa gây phản cảm. Họ chỉ khuyến khích đóng góp công đức một lần, chứ không khuyến khích việc rải tiền cầu may như vậy. Nói thật, chỉ có những người dân thiếu tỉnh táo, đi theo phong trào nên mới trở thành "con mồi" ngon cho đội buôn tiền lẻ, dịch vụ đổi tiền lẻ". TS. Phong khuyến cáo. |
Theo Hà Khê - Văn Chương
NĐT