“Sốt” sản phẩm chứa collagen
Các dòng sản phẩm chứa collagen được quảng cáo rầm rộ và tiêu thụ khá mạnh mặc dù giá bán không hề rẻ, không rõ tác dụng
Thời gian gần đây, sản phẩm chứa collagen xuất hiện nhiều tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm chức năng và đặc biệt là các website bán hàng qua mạng. Mặc dù giá bán các sản phẩm này khá cao so với hàng cùng loại không chứa collagen nhưng theo nhiều người bán hàng, sản phẩm nào có collagen là bán chạy vì được các bà, các cô ưu tiên chọn mua.
Có collagen là giá khác
Với mỹ phẩm, không chỉ mặt nạ chứa collagen đắt hàng mà các dòng sản phẩm dưỡng da, tẩy trang chứa collagen cũng rất hút khách mặc dù giá cao hơn khá nhiều so với các sản phẩm cùng loại.
Chẳng hạn, sữa rửa mặt thông thường chỉ vài chục ngàn đồng/tuýp 200 ml, của các nhãn hiệu nổi tiếng trên dưới 100.000 đồng/tuýp nhưng sữa rửa mặt có chứa collagen lên đến 169.000 đồng/tuýp. Cùng là mặt nạ moisture của Nhật nhưng loại có chứa collagen lên đến 90.000 đồng/hộp, loại không có collagen chỉ 45.000 đồng/hộp. Ngoài ra, còn có các loại bột collagen dưỡng da, dưỡng khớp giá khoảng 450.000 đồng/hộp; kem có chứa collagen, nước collagen, các loại viên uống collagen nhập khẩu từ nuớc ngoài có giá từ vài trăm đến trên 1 triệu đồng/hộp.
Hay như nước collagen (hương kiwi và cherry) của một doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá đến 12.500 đồng/lon 190 ml. Cà phê đen collagen và cà phê sữa collagen (dành cho người ăn kiêng) thì lên đến 60.000 đồng – 65.000 đồng/hộp 10 gói nhỏ. Thậm chí, mùa trung thu rồi, một số công ty đã bổ sung thành phần collagen vào nhân bánh trong dòng bánh trung thu cao cấp.
Các sản phẩm có chứa collagen trên thị trường (đặc biệt là các loại thực phẩm, đồ uống) được quảng cáo khá rầm rộ nhưng theo khảo sát của chúng tôi, rất ít sản phẩm có ghi rõ hàm lượng collagen, còn lại chỉ ghi chung chung. Dùng thử một số loại sữa, nước uống chứa collagen, chúng tôi không cảm nhận được sự khác biệt nào so với các loại sữa, nước uống thông thường.
Quảng cáo phóng đại để bán hàng
Trên thế giới, các sản phẩm chứa collagen đã xuất hiện nhiều năm nhưng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng nó có hiệu quả. |
Thạc sĩ Đào Thị Yến Phi, Trường Đào tạo cán bộ y tế TPHCM, cho biết: Nhu cầu collagen của một người không thay đổi theo thời gian nhưng do lớn tuổi, quá trình sản xuất collagen kém và những collagen có sẵn dễ bị gãy, vỡ. Da thiếu hụt collagen thì cần được bổ sung nhưng bổ sung như thế nào cho hiệu quả không phải ai cũng biết.
Collagen thực chất do tế bào cơ thể tổng hợp thành và để cơ thể tạo ra collagen cần có sự tham gia của nhiều loại vitamin, khoáng chất khác. Nếu chỉ bổ sung collagen thiếu các vitamin C, B, kẽm, iốt… thì collagen đưa vào cơ thể sẽ không được hấp thu mà sẽ bài tiết ra ngoài.
Riêng đối với các loại sữa, nước uống hoặc bánh kẹo có collagen không ghi rõ thành phần, hàm lượng thì chỉ có tác dụng… quảng cáo chứ hàm lượng collagen trong đó không đáng kể.
Bác sĩ Phạm Thị Kim Anh, Phó Khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu TPHCM, cũng cho biết dùng mỹ phẩm, mặt nạ collagen đắp lên mặt chỉ có tác dụng làm da mịn hơn, cải thiện bề mặt da chứ không thể thẩm thấu làm thay đổi cấu trúc da. Vì vậy, sản phẩm làm đẹp chứa collagen quảng cáo chống lão hóa, xóa nếp nhăn, làm da săn chắc… chủ yếu phóng đại để bán hàng.
Một số chuyên gia Nhật Bản cho rằng trào lưu sử dụng collagen chủ yếu được tạo ra từ các quảng cáo giật gân của các hãng mỹ phẩm, đánh vào tâm lý muốn được trẻ đẹp của phụ nữ. Cho nên, thay vì dùng collagen như một thần dược “cải lão hoàn đồng”, phụ nữ nên ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng, tập thể dục, giữ cho tâm lý thoải mái… để duy trì sự tự tin, tươi trẻ.
Theo Thành Nhân
NLĐ