1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sốt ruột đầu cơ, tiền đổ mạnh vào chứng khoán

Nhiều cổ phiếu đã quay đầu giảm giá, thanh khoản nhiều phiên có dấu hiệu chững lại nhưng không ít dự báo tích cực về dòng tiền và cơ hội kiếm lời hiếm có từ chứng khoán khiến các nhóm cổ phiếu tăng mạnh.

Lầm lũi tiến

 

Chưa dừng lại ở mức cao nhất trong ba năm qua 525 điểm, chỉ số VN-Index tính tới giữa phiên giao dịch sáng 10/6 đã vượt lên trên ngưỡng 530 điểm. HNX-Index của sàn Hà Nội cũng đang hướng tới 66 điểm.

 

TTCK tiếp tục tăng điểm trong bối cảnh đã tăng hơn 9% trong tháng 5 và được đánh giá thuộc tốp 10 thị trường nóng nhất trên thế giới với xấp xỉ gần 28% tính từ đầu năm cho tới cuối tuần qua.

 

Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 70% cổ phiếu tăng giá trong tháng 5, trong đó có không ít cổ phiếu tăng 150-200%. Nhiều cổ phiếu nhân đôi, nhân ba giá trị trong vài tháng gần đây trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn: lãi suất ngân hàng liên tục giảm; BĐS trầm lắng, xu hướng xuống giá chưa dứt; vàng gây thất vọng lớn...

 

Điểm nổi bật trong phiên giao dịch đầu tuần mới là các chỉ số không tăng nhiều, sự phân hóa mạnh với nhiều cổ phiếu tăng, nhiều cổ phiếu giảm nhưng thanh khoản lại tăng lên khá cao sau vài phiên trùng lại trước đó. Tới cuối phiên sáng, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng, trên sàn HNX cũng đạt 300 tỷ.

 

Khoảng 70% cổ phiếu đã tăng giá trong tháng 5
Khoảng 70% cổ phiếu đã tăng giá trong tháng 5

 

Trong khi một số cổ phiếu blue-chips tăng mạnh trong thời gian qua quay đầu giảm giá như REE, PPC, HAG, HPG, CTG, EIB... ; hay một số đón nhận thông tin xấu giảm như: THV (bị bán tháo sau tin hủy niêm yết) thì nhiều mã tiếp tục tăng mạnh như: CSM, HNM, HAR, VNM, BVH, DLG, HQC, PVS... Nhiều mã có khối lượng giao dịch lớn như trường hợp DLG, HQC với hàng triệu đơn vị được chuyển nhượng nhưng vẫn duy trì tăng trần.

 

Áp lực chốt lời mạnh vẫn được nhận diện trên thị trường với đà tăng suy giảm vào cuối buổi sáng nhưng sức cầu khá lớn cho thấy dòng tiền vẫn thường trực trên các tài khoản. Một số ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để NĐT thực hiện tham gia thị trường.

 

Lập luận nói trên có lẽ là có lý bởi gần đây đa phần các nhận định về TTCK đều cho rằng, triển vọng của chứng khoán là khá tươi sáng, hơn hẳn so với các kênh đầu tư khác.

 

Chứng khoán Bản Việt gần đây cho rằng, TTCK đang ở chân một con sóng dài. Chuyên gia từ MBS cho rằng, sẽ có sóng rất mạnh cuối năm 2013, VN-Index có thể lên cao nhất 650 điểm. Còn FPTS ngay từ cuối 2012 đã nhận định rằng, chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2013 và dự báo dòng tiền đầu cơ sẽ quay lại thị trường. Chủ tịch SSI cách đây nửa năm cũng nhận định 2013 là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn; thị giá cổ phiếu thấp đảm bảo lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

 

Bệ đỡ nào cho TTCK?

 

Giải thích cho sự hồi phục mạnh mẽ và triển vọng khá sáng sủa của TTCK, đa số các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng chủ yếu là do dòng tiền trong và ngoài nước đang khá dư dả nhưng kênh đầu tư lại không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, một phần không nhỏ cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp, trong khi nhiều DN có khả năng hồi phục nhờ vĩ mô đang dần được cải thiện.

 

Lãi suất thấp là lý do khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi nhà băng để đổ vào chứng khoán?
Lãi suất thấp là lý do khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi nhà băng để đổ vào chứng khoán?

 

Một điểm được nhiều chuyên gia chia sẻ nhất là hiện tượng dòng vốn ngoại, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam thông qua hàng loạt các dự án khủng, qua hàng loạt các quỹ đầu tư cũ mới. Dòng vốn từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ... là bệ đỡ khá tốt cho quá trình hồi phục của nền kinh tế và qua đó thúc đẩy TTCK.

 

Trên TTCK, thống kê cho thấy, trong năm 2012, khối ngoại mua ròng 4.600 tỷ đồng trên sàn chưa kể tới rất nhiều thương vụ lớn ngoài sàn. Giá trị mua ròng trong năm 2012 gần gấp 3 lần so với năm 2011. Tính riêng trong tháng 5/2013, khối ngoại mua ròng gần 1.400 tỷ đồng và tính chung cho cả 5 tháng đầu năm, khối này đổ vào Việt Nam khoảng 6.000 tỷ và hiện đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

 

Về đầu tư trực tiếp, số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, vốn FDI đăng ký trong 25 năm qua đã vượt qua ngưỡng 200 tỷ USD, trong khi giải ngân cũng đạt khoảng 100 tỷ USD.

 

Nguồn vốn ngoại được khá nhiều người kỳ vọng còn tăng lên bởi với FDI, Bộ Kế hoạch Đầu tư vẫn sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách ưu đãi cho dù theo hướng hậu kiểm. Vốn gián tiếp có thể tăng theo đề xuất nới room cho khối ngoại (dự kiến sẽ trình lên Chính phủ vào tháng 7).

 

Giải thích hiện tượng vốn ngoại tăng lên, VCBS gần đây cho rằng, có thể do nhiều nước trên thế giới đưa ra các gói kích thích kinh tế khiến tiền mặt trở nên dư thừa hơn và dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng chuyển đến các thị trường mới nổi hứa hẹn mức tăng trưởng cao, trong đó có Việt Nam; và dự báo khởi sắc dần của nền kinh tế.

 

Theo một số CTCK, nhiều chỉ báo vĩ mô như lạm phát, lãi suất... cùng các nỗ lực vực dậy nền kinh tế là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã ở đáy và đây là thời điểm thích hợp để mua vào chứng khoán. Đây là cơ hội cho nhiều người, dù là NĐT dài hạn hay lướt sóng.

 

Về phần DN, không ít đơn vị đang hồi phục trở lại sau hai năm sóng gió nhờ rút khỏi đa ngành, tập trung vào ngành nghề cốt lõi, cắt giảm chi phí để hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả chưa thực sự tốt nhưng rõ ràng nhiều DN đã có cơ hội phát triển trở lại.

 

Thông tin hỗ trợ khá nhiều, nhưng ở chiều ngược lại, cũng không ít ý kiến lo ngại về khả năng tăng tiếp của TTCK trong thời gian tới. Song, có một điều đã trở thành quy luật là sau một thời gian tăng nóng, chứng khoán thường bước vào thời kỳ phân hóa. Các nhóm cổ phiếu theo ngành, theo quy mô... sẽ lần lượt thay nhau tăng, rồi giảm giá. Cuối cùng, chỉ có DN nào thực sự vượt lên khó khăn mới trụ được ở mặt bằng giá mới.

 

Theo Mạnh Hà

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm