1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Sốt" chạy tiền cuối năm

Nhịp độ vay tiền "nóng dần đều" khi ngày kết thúc năm đang đến gần. Các ngân hàng cho biết, nhu cầu vay vốn lưu động bổ sung vốn sản xuất của doanh nghiệp đang tăng mạnh - thêm 10 đến 15% dư nợ vay so với các quý trước.

Phó giám đốc công ty TNHH Kềm Nghĩa, ông Bùi Văn Hải, miêu tả: "Thời điểm này, chúng tôi ai cũng chạy đua kiếm tiền”.

Tiền nóng

“Ngoài việc phải lo tiền sản xuất để phục vụ những tháng trước và sau Tết, còn phải lo bao thứ tiền khác trong 2 tháng tới. Tiền lương tháng, tiền thưởng cuối năm cho người lao động, tiền thanh toán cho người cung ứng nguyên vật liệu, trong khi tiền đại lý thì cho gối đầu... Trăm thứ tiền nhưng vay ngân hàng không được. Có ngân hàng nào lại cho DN vay tiền trả lương công nhân? Khoản này không có phương án trả nợ", ông pha trò và trầm ngâm.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, trưởng phòng tín dụng Sài Gòn Công thương ngân hàng cho biết, dịp cuối năm là thời điểm kinh doanh cao điểm của các DN sản xuất ngành hàng tiêu dùng như đồ hộp, thuỷ hải sản, thực phẩm chế biến, bánh kẹo... nên nhu cầu vay vốn lưu động bổ sung vốn sản xuất tăng so với các quý trước khoảng 10-15%. Riêng đối với các DN thuộc ngành sản xuất khác như may mặc, sản xuất đồ gỗ... nhu cầu vay vốn có tăng nhưng tăng ít, chỉ khoảng 5 - 7%.

Ông Phùng Trung Kiên, trưởng phòng tín dụng DN của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) so sánh cho thấy mức độ vay vốn ngân hàng tăng của DN: "Năm ngoái, một nhân viên của ngân hàng phụ trách 8-9 khách hàng, còn năm nay, một nhân viên phụ trách đến 30 - 40 khách hàng".

Ông cho biết thêm, Techcombank cho vay nhiều vào những DN sản xuất, xuất nhập khẩu hàng nông sản như điều, cao su, chế biến gỗ, da công nghiệp, dây cáp điện...

Ông Trần Tô Tử, phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô cho biết, công ty đã chuẩn bị sản xuất hàng Tết cách đây hai tháng. "Tuy có vốn nhưng Kinh Đô vẫn lên kế hoạch vay để hạn chế và chia sẻ rủi ro. Lãi suất chúng tôi vay cũng theo mặt bằng chung, không thấp hơn được bao nhiêu", ông cho biết.

DN lớn thì có thể không gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, có những DN vừa và nhỏ cần tiền gấp để trả tiền hàng, giải quyết công nợ cuối năm không chờ ngân hàng giải ngân được đành phải vay nóng bên ngoài với mức lãi suất cao. "Tôi thấy có khá nhiều trường hợp như vậy. Bản thân tôi cũng như vậy", một DN có tiếng tiết lộ.

Ông Hải cho biết, hiện nay công ty đang vay ngân hàng với mức lãi suất 0,98%/ tháng, tương đương 11,7%/năm là chấp nhận được. Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu cho biết DN hiểu được mặt bằng lãi suất cho vay trong nước tăng theo lãi suất thế giới và nguồn huy động đầu vào nên không thắc mắc nhiều và vẫn chấp nhận.

Co kéo lãi suất

Mặc dù không nói ra, nhưng qua mức lãi suất công ty Kềm Nghĩa đang vay có thể thấy rằng công ty này đang hưởng ưu đãi của ngân hàng, vì mặt bằng lãi suất hiện nay cao hơn lãi suất này. Đây là thời điểm mà DN có thể biết mình có phải là khách hàng "ruột", nằm trong diện chăm sóc của ngân hàng hay không. Tất cả các ngân hàng đều có biểu lãi suất cho vay "co giãn, linh hoạt" đối với từng DN.

Những DN đã gắn liền với ngân hàng qua nhiều năm, có nhiều "thâm tình", có mối quan hệ toàn diện với ngân hàng sẽ có được một mức lãi suất ưu đãi. Còn những DN mới tìm đến ngân hàng, hoặc chỉ có mối quan hệ một phần thì lãi suất họ vay có thể sẽ cao hơn và không được ưu đãi.

Lãi suất cho vay DN trung bình là 1 - 1,2%/ tháng, vị chi là 12 - 14,4%/năm. Theo ông Trần Tô Tử, với mức lãi suất cao như vậy thì lợi nhuận của DN còn lại không bao nhiêu.

Vì vậy không lạ khi các DN hiện đang "mặc cả" nhằm giữ lại từng đồng lợi nhuận cho mình. Tại một ngân hàng, các DN mong muốn giữ lại mức lãi suất cũ thay vì mức lãi suất mới ngân hàng vừa nâng lên. Họ phân tích: Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã 4 lần tăng lãi suất USD.

Cuối năm 2004 lãi suất USD chỉ có 3,5%/năm, bắt đầu từ tháng 4/2005 nâng lên 4,8%/năm, tháng 8/2005  lên 5%, tháng 10/2005 vọt lên 5,7%/năm và đến bây giờ là 6,2%/năm. "DN ngày nay đã biết đàm phán để mang về cho mình mức lãi suất tốt nhất", một lãnh đạo ngân hàng nhận xét.

Một doanh nhân cho biết, chi phí cho vốn cao thì buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Vì vậy, khi nói DN vẫn chịu được lãi suất hiện nay là bởi họ đang chia một phần chi phí đó sang người tiêu dùng, bên cạnh lợi nhuận bị co lại.

Lãi suất cho vay hiện vẫn đang nóng và đắt đỏ, cũng như chưa có dấu hiệu giảm hay dừng lại, ngoài việc là một gánh nặng làm oằn lưng DN, nó cũng là yếu tố đẩy giá cả tăng lên, trút lên đôi vai người tiêu dùng, nhất là vào dịp cuối năm.

Theo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm