“Soi” sức khỏe ngân hàng trước mùa đại hội cổ đông

(Dân trí) - Mùa đại hội cổ đông sắp đến, cũng là thời điểm mà các ngân hàng công bố lợi nhuận quý I và đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh năm 2013. Tuy nhiên, lợi nhuận vừa được một vài ngân hàng hé lộ dự báo một mùa đại hội “không bình yên”.

Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm mạnh (ảnh minh họa).
Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm mạnh (ảnh minh họa).

Trước mùa đại hội cổ đông năm nay, thị trường đang đón nhận những thông tin rời rạc về lợi nhuận ngân hàng quý I/2013. Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận quý I của một số ngân hàng vừa hé mở cho thấy sụt giảm khá mạnh, mà nguyên nhân chính là do tín dụng không tăng trưởng, dù nguồn vốn của ngân hàng dồi dào và lãi suất cho vay đang giảm.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ, ngân hàng này không đặt chỉ tiêu quá lớn về mặt doanh thu mà chỉ mong thu hồi các khoản nợ trước đây. “Đau đầu nhất là làm sao thu hồi được các khoản nợ cũ, doanh thu của doanh nghiệp chỉ đủ chi phí cho chính họ chứ không dư tiền để trả nợ”, vị tổng giám đốc này nói.

Cũng theo vị tổng giám đốc này, lãi suất cho vay đã giảm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dám vay vốn (do không sản xuất kinh doanh được) và không phải doanh nghiệp nào đi vay cũng được vay (do điều kiện vay vốn không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng).

Với những khó khăn hiện nay, một số ngân hàng cho biết, chỉ tiêu ngân hàng năm 2013 sẽ “không được cao như mọi năm. Báo chí khi đề cập đến ngân hàng, xin đừng xoáy sâu vào vấn đề lợi nhuận mà hãy xem chúng tôi đã làm được gì trong bức tranh kinh tế chung”, đại diện một ngân hàng (xin giấu tên) chia sẻ.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, lợi nhuận quý một năm nay chưa đạt 9% kế hoạch cả năm, trong khi trung bình cùng kỳ các năm trước đã thực hiện được ít nhất khoảng 20% kế hoạch năm. Eximbank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2013 ở mức 3.200 tỷ đồng (thấp hơn chỉ tiêu năm 2012 ở mức 4.600 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt được 2.828 tỷ đồng), song theo ông Dũng, áp lực cho năm nay sẽ rất lớn. Bởi lẽ, hiện ngoài tín dụng, nguồn thu từ các mảng hoạt động dịch vụ (vàng, ngoại tệ…) sụt giảm mạnh.

Sacombank cho biết, tính đến hết ngày 31/1, ngân hàng đã đạt 275 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tổng huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 4,8%, dư nợ cho vay tăng 1,8%, tổng tài sản tăng 3,2% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,96% tổng dư nợ. Sacombank hiện có vốn chủ sở hữu 13.347 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 10.740 tỷ đồng. Năm 2013, Sacombank có kế hoạch đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 21%.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2012 của Sacombank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ tăng 32 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 288 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do Sacombank có khoản chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 308,9 tỷ đồng.

So với kết quả năm 2011, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 11%, chi phí dự phòng tăng 237% và lợi nhuận sau thuế giảm gần 50%.

Năm 2012, thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng là hơn 14,3 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 300 nghìn đồng so với năm 2011.

Theo tài liệu chuẩn bị đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 13/4 tới, Vietinbank đặt mục tiêu năm 2013 lãi 8. 600 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với năm 2012. Tỷ lệ an toàn vốn trên 10% và tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 3%. Ngân hàng này cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 37.887 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lên 52.000 tỷ đồng trong năm 2013.

Là ngân hàng dẫn đầu toàn ngành về quy mô lợi nhuận trong năm 2012, những thông tin về lợi nhuận, lương thưởng của Vietinbank luôn hấp dẫn dư luận. Được biết, thu nhập trung bình năm 2012 của cán bộ nhân viên ngân hàng này là 20,2 triệu đồng/người/tháng, giảm 1,3 triệu đồng/tháng so với năm 2011; trong đó, tiền lương bình quân tháng đạt 19,69 triệu đồng/người.

Cũng trong năm 2012, kế hoạch lợi nhuận mà ngân hàng này đề ra là 9.000 tỷ nhưng không đạt kế hoạch và phải điều chỉnh mục tiêu xin giảm 1.500 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính kiểm toán của SHB cho biết, ngân hàng đạt 26,1 tỷ đồng lợi nhuận năm 2012. Năm 2012, SHB đã thực hiện sáp nhập Habubank vào ngân hàng. Theo đó, việc xử lý tài chính và các khoản lỗ lũy kế phát sinh của Habubank trước thời điểm chính thức sáp nhập được hạch toán vào lợi nhuận để lại của ngân hàng sau sáp nhập và theo Đề án sáp nhập đã được cơ quan quản lý Nhà nước thông qua.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế của SHB là 1.687 tỷ đồng và lỗ lũy kế do Habubank chuyển giao khi sáp nhập là 1.661 tỷ đồng.

Năm 2013, nợ xấu của SHB dự kiến giảm xuống dưới 5%, tổng tài sản tăng 28,7% lên 150.000 tỷ đồng. Về chỉ tiêu lợi nhuận, SHB dự kiến lãi trước thuế 1.146 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng rủi ro.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2013, hội đồng quản trị của NamABank trình lên cổ đông chỉ tiêu tổng tài sản 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 400 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện năm 2012. Năm qua, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 448 tỷ đồng, 241,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bằng 71,98% cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng…

Mùa đại hội cổ đông năm nay, theo lịch làm việc của một số ngân hàng vừa thông báo, sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4 này. Với số liệu vừa được ngân hàng công bố, mục tiêu lợi nhuận năm 2013 đã giảm đáng kể so với mục tiêu lợi nhuận 2012. Điều này cho thấy sự thận trọng của các ngân hàng khi kết thúc năm 2013, hầu hết các ông lớn cũng khó cán đích kế hoạch lãi nghìn tỷ đề ra từ đầu năm.

Do vậy, dự kiến năm 2013 sẽ không có nhiều ngân hàng lạc quan đưa ra mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng cao như hồi đầu năm 2012.

An Hạ (tổng hợp)