1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sôi động thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp trở lại huy động vốn qua kênh trái phiếu nhất là trong điều kiện vốn huy động từ ngân hàng trở nên khó khăn. Hiện các ngân hàng thương mại chính là đối tượng nhà đầu tư chủ yếu lại vừa là đơn vị tư vấn phát hành.

Thông qua phát hành trái phiếu, doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn trung và dài hạn có lãi suất thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, huy động được nguồn vốn lớn mà ngân hàng khó đáp ứng. Lợi thế của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu là lãi suất cạnh tranh mà không vướng trần lãi suất quy định như trái phiếu Chính phủ.

Chằng hạn, đầu năm 2009, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) công bố phát hành thành công trái phiếu EVN với giá trị  500 tỷ đồng. Trái phiếu EVN có thời hạn 5 năm, lãi suất trả sau hàng năm và được tính trên cơ sở bằng lãi suất tham chiếu cộng lãi biên (lãi suất thả nôi).

Vừa qua FPT phát hành 1.800 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng tương đương tổng trị giá phát hành 1.800 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm. Đây là loại trái phiếu có kèm chứng quyền và không có đảm bảo kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 9/10/2009 và sẽ đáo hạn vào 9/10/2012.

Các trái phiếu phát hành trong thời gian gần đây đều có  lãi suất coupon cao hơn lãi suất cho vay tối đa. Chẳng hạn, trái phiếu Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) phát hành ngày 30/9/2009, kỳ hạn 3 năm, có lãi suất năm đầu 12,5%, lãi suất các năm sau bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,8%/năm.

Đáng chú ý, đối tượng nhà đầu tư chủ yếu ở đây là ngân hàng thương mại, cũng chính là đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu. Thực tế, các ngân hàng cũng muốn tránh việc vượt giới hạn tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp ngân hàng thương mại duy trì quan hệ với khách hàng truyền thống mà còn đem lại thu nhập cao cho ngân hàng. Bình quân chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất cho vay hiện nay khoảng 2,5-3%/năm.

Ngoài thu nhập từ lãi trái phiếu, các ngân hàng thương mại còn thu được phí từ việc cung ứng dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu và các dịch vụ liên quan khác.

Tuy nhiên, so với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao hơn (rủi ro thanh toán, rủi ro lãi suất…), đặc biệt là đối với loại trái phiếu bất động sản, trái phiếu không có bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán hay tài sản đảm bảo.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), sắp tới VMBA sẽ cung cấp các dịch vụ của bên thứ ba giống như các công ty định mức tín nhiệm, là cầu nối trung gian giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, như định giá trái phiếu, quản lý rủi ro đầu tư…

Kim Chi