Soi doanh nghiệp "bùng" hợp đồng bán gạo cho Dự trữ Nhà nước
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp trúng thầu nhưng bỏ ngang không ký kết hợp đồng giao bán gạo. Đáng chú ý, theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, có hai doanh nghiệp tổ chức đấu thầu 2 nơi, nhưng đều bỏ.
Cụ thể là hai trong 9 doanh nghiệp hủy hợp đồng giao gạo sau khi trúng thầu ở hai Cục Dự trữ Nhà nước là Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (Hà Nam).
Ngày 11-13/4, Tổng cục Dự trữ Nhà nước ra Thông báo hủy gói thầu gồm 9 doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng, không đảm bảo cung ứng gạo cho cơ quan này.
Theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, do các doanh nghiệp đơn phương hủy hợp đồng bán gạo nên đơn vị này sẽ tổ chức đấu giá lại. Hiện, đã có 2 Cục Dự trữ khu vực/22 Cục dự trữ trên cả nước đã thông báo hủy hồ sơ thầu cung cấp gạo cho Dự trữ Nhà nước.
6 gói thầu trúng cung ứng cho Dự trữ Nhà nước hơn 5.700 tấn gạo năm 2020 cho kho gạo dự trữ thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên bị hủy, trong đó có 4 gói thầu gạo nhập kho dự trữ quốc gia 2020 tại Chi cục Dự trữ Đắc Lắc; 2 gói thầu cung cấp 1.900 tấn gạo nhập kho dự trữ Chi cục Dự trữ Nhà nước Lâm Đồng
Số tiền thu bảo lãnh dự thầu, nộp ngân sách Nhà nước của 6 doanh nghiệp nói trên là 800 triệu đồng.
Các doanh nghiệp bị hủy hồ sơ trúng thầu gồn Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Công ty CP Lương thực Cao Lạng; Công ty CP Lương thực Hà tĩnh (2 gói thầu); Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Mỹ Tường.
Tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng, 7 gói thầu cung ứng 8.000 tấn gạo vào kho dự trữ cũng được hủy theo Thông báo mới nhất. Tổng số gạo đấu thầu bị hủy theo hai Thông báo kể trên đến thời điểm hiện tại là 13.700 tấn gạo, gấp gần 2 lần số gạo đã được doanh nghiệp ký hợp đồng giao cho Cục Dự trữ Nhà nước (7.700 tấn).
Danh sách các doanh nghiệp bị hủy thầu gồm, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam tại thôn Đông Lư Hạ, huyện Lý Nhân, Hà Nam; Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai (Hải Phòng); Công ty TNHH Thương mại Chương Tho (xóm 6, Vũ Lạc, Thái Bình); Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (Hà Nam).
Theo một chuyên gia từ Bộ Tài chính, do các doanh nghiệp trúng thầu phụ thuộc quá lớn vào kênh nhập gạo từ thương lái. Chính vì vậy, khi thị trường diễn biến bất thường, họ không mua được gạo.
Tuy nhiên, cũng có hiện tượng thương lái, móc nối với doanh nghiệp gạo ghìm giá, giữ gạo chờ tăng giá hoặc chờ bán cho đơn vị mua xuất khẩu. Các doanh nghiệp chấp nhận bị mất tiền bảo lãnh thầu hoặc tiền phạt để bán cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo Việt Nam: "Hiện tượng găm hàng đã xuất hiện do các doanh nghiệp thu mua gạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương lái thu mua thóc của dân. Để giải quyết việc này, cần công khai mức giá và đấu giá mua gạo để thương lái yên tâm bán gạo cho doanh nghiệp".
Trước đó, chia sẻ với báo Dân Trí, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẳng định, đến thời điểm hiện tại 14/4, cơ quan này mới ký hợp đồng mua gạo của doanh nghiệp trúng thầu 7.7000 tấn gạo (4% mục tiêu 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao).
Ông Đức cho biết, sẽ báo cáo cấp cao hơn (Bộ Tài chính), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để hủy các hồ sơ thầu không thực hiện. Quá trình thực hiện hồ sơ thầu đợt mới sẽ được mở và sẽ có thông báo sớm.
Theo thông tin, hầu hết doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu thầu gạo đóng khoản tiền bảo lãnh dự thầu từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng. Số tiền này sẽ được nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước.
An Linh