1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Sợ mất tỷ suất lợi nhuận, các “ông lớn” cố tình thoái vốn kiểu… rùa bò (!?)

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực sự nghiêm túc cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp; không muốn thoái vốn ở ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất lợi nhuận cao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận (đoàn TP.HCM) về nguyên nhân vì sao cổ phần hóa (CPH), thoái vốn chậm, chiều qua (9/11).

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, gần đây căng thẳng trong quan hệ quốc tế, diễn biến khó lường của Covid-19, ảnh hưởng rất lớn, nghiêm trọng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và trên thế giới, khiến cho các doanh nghiệp CPH phải cân nhắc thời điểm phê duyệt phương án và thời điểm đưa ra để bán cổ phần.

Cơ chế, chính sách về CPH, thoái vốn, thời gian qua cũng được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường công khai, minh bạch hơn trong quá trình CPH và tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi CPH, hoàn thành việc xác lập hồ sơ quản lý về đất đai, tài sản trước khi CPH. Do đó, việc rà soát, phê duyệt phương án CPH doanh nghiệp phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục và nhiều thời gian, đặc biệt vấn đề về đất đai, lịch sử pháp lý rất là phức tạp và những đơn vị như là Tổng công ty Lương thực miền Bắc rất nhiều cơ sở nhà đất.

Sợ mất tỷ suất lợi nhuận, các “ông lớn” cố tình thoái vốn kiểu… rùa bò (!?) - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 9/11 (ảnh: Đoàn Bắc)

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, các doanh nghiệp CPH, thoái vốn, cơ cấu lại trong giai đoạn này hầu hết các doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công ích gắn liền với hoạt động của các địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương nên việc CPH, thoái vốn phải tiến hành thận trọng, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp và không làm thất thoát vốn của nhà nước khi CPH. 

Về những nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Tài chính cho rằng trong tổ chức như là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch CPH, thoái vốn để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành danh mục cổ phần hóa, thoái vốn chưa sát với thực tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong đổi mới hoạt động của doanh nghiệp; tính công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn.

“Đa số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp không chủ động triển khai các chính sách của nhà nước, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại xử lý nhà đất, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ CPH” - ông Dũng nói. 

Trong khi đó, việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện, phê duyệt phương án sắp xếp lại xử lý nhà đất theo Nghị định 167 của Chính phủ làm còn chưa tốt, tiến độ bây giờ còn rất chậm, đặc biệt là các cơ sở nhà đất tại thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

“Nguyên nhân nữa là doanh nghiệp không muốn thoái vốn ở những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất lợi nhuận cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm, tuy là đã được quy định rõ trong tiêu chí phân loại doanh nghiệp của Thủ tướng” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ và cho biết thêm một số cơ quan, đơn vị đang thoái vốn đang bị cơ quan pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra nên cũng phải chậm lại.

Về các giải pháp trong thời gian tới, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, đổi mới phát triển, nâng cao doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ.

Một quảu pháp khác là tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước về sắp xếp việc CPH, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. 

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết phải xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp cho giai đoạn tới, giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. 

Vấn đề nữa là các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH.

“Cần tăng cường công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những người sai phạm, xử lý nghiêm những người chậm tiến độ” - Bộ trưởng Bộ tài chính kết thúc phần trả lời chất vấn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm