Smartphone và Internet rất phổ biến, sao thanh toán không tiền mặt phát triển chậm?
(Dân trí) - Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thống kê hiện nay ở khu vực nông thôn có trên 60% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt
Sáng nay 28/9, Ngân hàng Nhà nước và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”. Bên cạnh những ưu điểm của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, cũng chỉ ra những khó khăn. Đó là đến thời điểm hiện nay, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế.
“40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.
Những số liệu này cho thấy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán là một mục tiêu nhiều thách thức”, ông Phạm Tiến Nam nói.
Ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Thống kê hiện nay ở khu vực nông thôn có trên 60% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải mở rộng các điểm mạng lưới chấp nhận thẻ để giúp cho người dân cũng như điểm giao dịch nhỏ lẻ ở khu vực xa xôi. Ngoài ra, NHNN cũng cho phép các tổ chức phi ngân hàng làm các dịch vụ thu hộ, chi hộ…để đảm bảo cho người dân thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lựa chọn.
Theo ông Nam, muốn người dân tích cực sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt, thế nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông nghiệp, nông thôn còn ít. Mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn còn thấp.
Đồng thời, việc thanh toán qua thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng, thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM là chủ yếu (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán... Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đều, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày”.
Theo số liệu thống kê không chính thức, nếu không tính Agribank, số lượng điểm giao dịch của các NHTM (chi nhánh hoặc phòng giao dịch) bình quân/1 đơn vị hành chính cấp huyện chỉ ở mức 2 -3 điểm giao dịch ở khu vực nông thôn (huyện, huyện đảo).
Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã xấp xỉ 40 điểm giao dịch, tức chênh lệch nhau 16,7 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực Duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện).
Niềm tin của người dân rất quan trọng!
Từ đây, ông Nam chỉ ra một nghịch lý, đó là muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ở ngân hàng và tài khoản đó phải có tiền. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ người dân sống ở nông thôn cao (khoảng 70%), do đó những người có tài khoản ở ngân hàng chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức được trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị 20/2007 của Chính phủ và người dân sống ở các đô thị.
Còn người dân ở vùng nông thôn thì khó mở tài khoản. Ngoài ra, việc tốn phí khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm phí chuyển tiền, phí làm thẻ, Phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí giao dịch… quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp cũng là cản trở lớn khiến nhiều người ngần ngại khi sử dụng hình thức này
Nguyên nhân thứ ba, đồng thời cũng là nguyên nhân căn bản gây khó khăn cho quá trình phát triển không dùng tiền mặt đến từ tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Hiện nay có tới hơn 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch điện tử thay vì sử dụng tiền mặt...
Ông Sơn cũng cho biết thêm, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay vấn đề quan trọng nhất là niềm tin. Vừa qua, việc mất niềm tin của khách hàng chỉ là những vụ hi hữu và chỉ nằm trong số hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày. "Cho dù nguyên nhân xuất phát từ đâu, do ngân hàng hay lỗi người sử dụng cũng khiến người dân lo ngại. Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn theo dõi sát các vấn đề này và khẳng định khi xảy ra sự cố phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị mất tiền”, ông Sơn nói.
Đồng tình với ý kiến ông Sơn, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định nhấn mạnh: “Đúng như anh Sơn nói, muốn đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt ở nước ta, nhất là đối với nông dân ở vùng sâu, vùng xa…thì niềm tin của khách hàng là quan trọng nhất”.
An Hạ